Xử trí khi có dị vật ở tai
Dị vật tai thường gặp ở trẻ em, trai nhiều hơn gái. Các em hay nghịch nhét hạt ngô, hạt đậu, cục sỏi, hạt cườm, sáp màu, bi sắt... Người lớn bị dị vật tai hiếm gặp hơn, có thể là cục bông bỏ quên khi vệ sinh tai, hạt chanh do nước gội đầu đưa vào, mảnh kim khí..., hoặc côn trùng bò, bay vào tai.
Bình thường phần giữa tai ngoài và tai giữa có một bộ phận ngăn cách gọi là màng nhĩ. Nếu màng nhĩ bình thường, dị vật thường nằm ở phần ống tai ngoài, trừ trường hợp di vật bắn vào tai mạnh, có thể xuyên qua màng nhĩ vào nằm ở tai giữa (mảnh kim khí, hạt thóc khi đứng xem xay thóc...). Cũng có thể do phương pháp lấy dị vật không đúng làm thủng màng nhĩ, đưa dị vật từ tai ngoài vào tai giữa, hoặc do màng tai thủng từ trước do viêm mạn tính, dị vật qua lỗ thủng vào trong tai giữa.
Dị vật tai trong rất hiếm gặp, thường là do rủi ro phẫu thuật: chỉnh hình xương con, thay thế xương bàn đạp, cấy điện cực ốc tai...
Những dị vật là chất hữu cơ khi vào ống tai sẽ hút nước từ ống tai và nở to ra choán đầy lòng ống tai. Dị vật không cử động như cục bông, chỉ gây ra những triệu chứng tắc ốc tai như điếc, ù tai. Trái lại những dị vật sống như côn trùng sẽ gây ra những triệu chứng rất khó chịu như tiếng bò sột xoạt, đau nhói, chóng mặt. Soi ống tai sẽ thấy dị vật, đánh giá khối lượng, hình dáng và vị trí của dị vật để có cách lấy ra phù hợp.
Khi có dị vật tai nên thử bơm nước 37 độ C để lấy. Nếu sau khi bơm mà vẫn không lấy được phải dùng dụng cụ gắp. Đối với dị vật nằm ở ống tai ngoài, kích thước tương đối nhỏ có thể dùng móc luồn về phía sau để lấy... Với dị vật sống, phải giết chết dị vật rồi mới lấy. Trong trường hợp ống tai sưng tấy, dị vật nằm ở tai giữa hoặc tai trong phải tiến hành gây mê toàn thân để lấy bỏ dị vật. Dùng thuốc nhỏ tai tại chỗ hoặc kháng sinh toàn thân kết hợp, tuỳ thuộc vào việc đánh giá thương tổn của tai sau khi dị vật được lấy bỏ.
Dị vật tai gặp nhiều ở trẻ nhỏ, do đó các bậc cha mẹ không nên cho trẻ dưới 3 tuổi chơi đồ chơi là những mảnh nhỏ.
Theo Sức Khoẻ và Đời Sống