Xử trí khi bị kim tiêm qua sử dụng đâm rách da
Hiện nay các loại ống kim tiêm do người nghiện chích ma túy vứt rải rác khắp nơi đang là mối hiểm họa tiềm ẩn đối với mọi người. Chúng có mặt ở khắp nơi. Trong năm 2000, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới TP HCM, có 73 trường hợp (cả người dân và nhân viên y tế) đến kiểm tra do bị kim tiêm và vật bén nhọn đâm rách da. Rất may là không ai trong số này bị nhiễm virus HIV.
Trong 5 tháng năm 2001, mặc dầu chưa có thống kê cụ thể, nhưng số người bị kim tiêm và vật nhọn đâm phải đến tham vấn và xin được theo dõi điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới tăng cao so với năm trước. Nhiều người thật sự lo lắng khi sáng ra mở cửa phát hiện nhiều ống tiêm chích trước hiên nhà, thậm chí nhiều cây kim vẫn còn vết máu.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Nhiễm E của Trung tâm cho biết, những kim tiêm và vật nhọn chích vào cơ thể là những tác nhân nguy hiểm gây nên các bệnh như viêm gan B, C, uốn ván, HIV/AIDS.... Tuy nhiên, khả năng truyền nhiễm của virus còn tùy thời gian kim tiêm đã được vứt ra và các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm... Thông thường, các loại virus có thể tồn tại trong vài giờ, đôi khi lên đến cả ngày. Riêng virus HIV có thể tồn tại trong máu ngoài cơ thể đến 7 ngày.
Làm gì khi bị kim tiêm đâm?
Những thao tác cần làm ngay trước khi đến cơ sở y tế:
- Sử dụng những phương tiện sẵn có để tống máu, dịch tiết, ngoại vật ra khỏi vùng tiếp xúc.
- Có thể dùng nước sạch, xà phòng để rửa xung quanh.
- Sau đó nặn máu ra, không cần thiết phải dùng ga-rô như trường hợp bị rắn cắn.
- Dùng cồn để rửa sát trùng vết thương đó. Không nên dùng những loại thuốc sát trùng mạnh làm cháy, bỏng da.
Trong lúc này bệnh nhân cần phải bình tĩnh để ghi nhận những đặc tính: vật gì gây thương tích, có máu hay không, vật nằm ở vị trí nào. Những thông tin này sẽ giúp các nhân viên y tế có hướng điều trị tiếp theo.
Tại các cơ sở y tế
- Bệnh nhân được kiểm tra xét nghiệm virus HIV, điều trị dự phòng một số bệnh truyền nhiễm khác như: uốn ván, viêm gan B, viêm gan C...
- Thông thường, bệnh nhân được theo dõi và điều trị ngoại trú, được kiểm tra, xét nghiệm từ những ngày đầu.
- Sau đó bệnh nhân sẽ được kiểm tra định kỳ vào 4-6 tuần, 3 tháng, 6 tháng.
- Để xác định chính xác bệnh nhân có nhiễm HIV hay không, phải đợi kết quả kiểm tra sau 6 tháng.
Khi bị tai nạn, mọi người phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị (hiện nay Trung tâm Bệnh nhiệt đới là một trong những đơn vị có chức năng điều trị dự phòng căn bệnh HIV/AIDS). Vấn đề còn lại là mọi người nên thận trọng trong mọi công việc thu gom rác, nhổ cỏ, làm vệ sinh vườn và quan tâm đến khu vực chơi của trẻ em... để tránh tiếp xúc với kim tiêm, vật bén nhọn có thể gây tổn thương.
SGGP, 21/5