Hạ thân nhiệt giúp cứu sống bệnh nhân ngừng tim
Với bệnh nhân bị ngừng tim, các biện pháp cấp cứu cần được áp dụng càng sớm càng tốt. |
Giảm nhiệt độ cơ thể của người bị cơn đau tim sau khi trái tim đập trở lại có thể giảm đáng kể nguy cơ tử vong và tổn thương não. Kết luận này được các nhà khoa học tại châu Âu và Australia đưa ra trong hai nghiên cứu độc lập, đăng trên Tạp chí Y khoa Anh Mới ra hôm nay.
Họ nhận thấy rằng việc giảm nhiệt độ cơ thể từ 37 độ C xuống còn khoảng 33 độ C ít nhất trong 12 giờ sẽ làm tăng cơ hội sống sót của những bệnh nhân mà tim đã ngừng đập ít nhất 5 phút. Người ta dùng những tấm chăn chứa không khí lạnh lưu thông hoặc những túi đựng đá (ice) để làm lạnh bệnh nhân.
Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng tế bào não thường bắt đầu chết sau 4-5 phút thiếu ôxy. Nhân viên cứu hộ có thể dùng sốc điện để giúp tim đập trở lại, nhưng vẫn chưa có cách gì ngăn ngừa những tổn thương não, thường xuất hiện vài phút sau khi tim ngừng đập. Trong khi đó, việc hạ thân nhiệt làm giảm nhu cầu ôxy của não và hạn chế các quá trình hóa học gây tử vong cho tế bào não.
Kết quả nghiên cứu
Trong một nghiên cứu trên quy mô lớn của châu Âu, 275 bệnh nhân tại 9 trung tâm y tế ở 5 nước được chia làm 2 nhóm: nhóm 1 được làm lạnh trong 24 giờ bằng chăn hoặc túi đá, nhóm 2 được giữ nguyên thân nhiệt. Các biện pháp cấp cứu bắt đầu khoảng 5-15 phút sau khi xuất hiện cơn đau tim. Sau 6 tháng, kết quả thu được là:
- Tỷ lệ tử vong ở nhóm 1 thấp hơn (41% so với 55% của nhóm 2).
- Tỷ lệ phục hồi tốt và bị tàn tật vừa phải ở nhóm 1 cao hơn (55% so với 39% của nhóm 2).
Theo tính toán của các tác giả, nếu làm lạnh cho 7 người thì sẽ cứu sống được một người và làm lạnh cho 6 người sẽ phòng được tổn thương não ở một người.
Nghiên cứu của Australia có quy mô nhỏ hơn, với 77 bệnh nhân. Họ được chia làm 2 nhóm: 43 người được làm lạnh và 34 người giữ nguyên nhiệt độ. Sau khi làm cho tim đập trở lại, các nhân viên cứu hộ cởi bỏ áo quần của bệnh nhân và đặt lên người họ những túi đựng đá trong vòng 12 giờ. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống sót là 26% ở nhóm giữ nguyên thân nhiệt và 49% ở nhóm được hạ nhiệt.
Có thể áp dụng rộng rãi
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, phương pháp làm lạnh có thể cứu hàng nghìn bệnh nhân bị cơn đau tim trên toàn thế giới khỏi tử vong và tổn thương não mỗi năm. Bác sĩ Stephen Bernard, trưởng nhóm nghiên cứu của Australia, cho biết bệnh viện Dandenong nơi ông làm việc đang áp dụng kỹ thuật làm lạnh cho tất cả các bệnh nhân đau tim nhập viện. Ông cũng đang tiến hành thử nghiệm làm lạnh bệnh nhân đau tim bằng cách tiêm nước muối sinh lý được làm lạnh vào tĩnh mạch họ, và kết quả ban đầu có vẻ còn khả quan hơn.
Bệnh viện đa khoa Vienne (Áo) cũng đã áp dụng rộng rãi phương pháp điều trị này, và gần đây nhất (hôm thứ ba) đã dùng cho một bệnh nhân nam 48 tuổi.
Vào những năm 1950, người ta đã phải bỏ dở một nghiên cứu về việc làm lạnh các bệnh nhân ngừng tim (ở nhiệt độ thấp hơn nhiều), vì những hiệu quả phụ nghiêm trọng của nó.
Thu Thủy (theo Reuters, AP)