BỎNG
Tác nhân gây bỏng có nhiều loại:
- Bỏng do nhiệt thường gặp nhất, chia thành 2 nhóm: do nhiệt khô (lửa, tia lửa điện, kim loại nóng chảy...) và do nhiệt ướt (nước sôi, thức ăn nóng sôi, dầu mỡ sôi, hơi nước nóng...)
- Bỏng do dòng điện chia thành 2 nhóm: do luồng điện có hiệu điện thế thông dụng (<1000V) và do luồng điện có hiệu điện thế cao (>1000V). Sét đánh cũng gây bỏng do luồng điện có hiệu điện thế cao.
- Bỏng do hóa chất gồm các chất oxy hóa, chất khử oxy, chất gặm mòn, chất gây độc cho bào tương, chất làm khô, chất làm rộp da... Trong thực tế lâm sàng chia thành 2 nhóm: nhóm acid và nhóm chất kiềm. Bỏng do vôi tôi nóng là loại bỏng vừa do sức nhiệt vừa do chất kiềm.
- Bỏng do các bức xạ: tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia Rơnghen, tia laser, hạt cơ bản b , g .
Lâm sàng:
- Viêm da cấp do bỏng (viêm vô khuẩn cấp): bỏng độ I.
- Bỏng biểu bì: bỏng độ II
- Bỏng trung bì thường gọi là bỏng trung gian, bỏng độ II sâu, bỏng độ III, bỏng độ IIIA, bỏng độ III nông.
- Bỏng toàn bộ lớp da còn gọi là bỏng độ III, IIIB, III sâu, bỏng độ IV). Hoại tử ướt, hoại tử khô.
- Bỏng sâu các lớp dưới da còn gọi là bỏng độ III, III sâu, độ IV sâu dưới lớp cân, độ IV, độ V, độ VI, độ VII.
Có nhiều cách tính diện tích bỏng, trong thực tế lâm sàng, để dễ nhớ, dễ tính, thường kết hợp các cách sau:
- Phương pháp con số 9: đầu mặt cổ 9%, 1 chi trên 9%, ngực bụng 18%, lưng 18%, 1 chi dưới 18%, bộ phận sinh dục và tầng sinh môn 1%.
- Phương pháp dùng bàn tay ướm (bàn tay người bị bỏng): tương ứng với 1% hoặc 1,25% diện tích cơ thể người đó.
- Phương pháp tính theo con số 1, 3, 6, 9, 18: diện tích khoảng 1%: gan bàn tay (hoặc mu), cổ, gáy, tầng sinh môn - sinh dục ngoài; diện tích khoảng 3%: bàn chân, da mặt, da đầu, cẳng tay, cánh tay, mông (một); diện tích khoảng 6%: cẳng chân, 2 mông; diện tích khoảng 9%: đùi, chi trên; diện tích khoảng 18%: chi dưới, lưng - mông, ngực - bụng.
Xử trí:
- Khi bị bỏng, cần tìm mọi cách để sớm loại trừ tác nhân gây bỏng (dập lửa, cắt cầu dao điện...). Ngay sau khi bị bỏng, ngâm vùng ngay vào nước lạnh (16-20oC hoặc dưới vòi nước chảy từ 20-30'. Nếu chậm ngâm lạnh, sẽ ít tác dụng. Nếu bỏng do hóa chất thì phải rửa các hóa chất bằng nước và chất trung hòa. Băng ép vừa phải các vết thương bỏng để hạn chế phù nề, thoát dịch huyết tương. Cho uống nước chè nóng, nước đường, Oresol..., thuốc giảm đau. ủ ấm nếu trời rét. Vận chuyển nhẹ nhàng, tránh va chạm gây thêm đau.
- Ðối với bỏng mắt, cần xử trí kịp thời để bảo vệ mắt: rửa mắt nhiều lần bằng nước lạnh sạch, vô khuẩn và gửi đến chuyên khoa mắt.
- Cần chẩn đoán sớm diện bỏng và độ sâu của bỏng để xử trí phù hợp. Có thể dùng chỉ số Frank để tiên lượng bỏng: cứ 1% diện bỏng nông là 1 đơn vị, 1% diện bỏng sâu là 3 đơn vị. Khi chỉ số Frank từ 30-70 là sốc nhẹ, từ 70-100: sốc vừa, trên 110: sốc nặng và rất nặng. Ðối với trẻ em và người già dù diện bỏng không lớn (<10% diện tích cơ thể), vẫn có thể xuất hiện các rối loạn bệnh lý của bệnh bỏng. Với phụ nữ có thai cần theo dõi thai nhi, khám sản khoa và chuyển ngay đến chuyên khoa bỏng.
- Ðiều trị sốc bỏng ở bệnh viện cơ sở cần tiến hành ở buồng hồi sức cấp cứu. Phục hồi kịp thời và đủ khối lượng máu lưu hành hữu hiệu bằng cách truyền dịch theo đường tĩnh mạch (dịch keo, dịch điện giải, huyết thanh ngọt đẳng trương). Có thể dùng cách tính: dịch mặn đẳng trương 1ml x kg thể trọng x diện bỏng %; dịch keo 1ml x kg thể trọng x thể trọng x diện bỏng % và cộng với 2000ml dịch glucose 5%.
Cách tính thuận lợi cho ứng dụng lâm sàng: trong 24 giờ đầu lượng dich truyền chữa sốc bỏng không quá 10% thể trọng. Liều truyền trong 8 giờ đầu từ 1/2-1/3 liều, 16 giờ sau: 1/3-1/2 liều. Trong ngày thứ 2 và thứ 3 (nếu còn sốc), lượng dịch truyền chữa sốc bỏng không quá 5% thể trọng bệnh nhân (cho mỗi ngày).
- Nếu vô niệu, dùng thuốc lợi niệu lasix, manitol, nếu bị toan chuyển hóa, dùng dung dịch kiềm natri bicarbonat.
Sau khi thoát sốc, điều trị toàn thân, chống nhiễm độc bỏng cấp, dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn tại vết bỏng và toàn thân, nâng cao sức chống đỡ của cơ thể bằng truyền máu, dùng kháng sinh, nuôi dưỡng, dự phòng và điều trị các biến chứng.
- Tại vết bỏng: bỏng nông: dùng thuốc tạo màng (cao vỏ xoan trà, lá sim, sến, tràm, củ nâu...) sau khi làm vô khuẩn. Nếu bỏng sâu, từ tuần thứ 2 dùng thuốc rụng hoại tử, dung dịch kháng khuẩn, khi có mô hạt mổ ghép da các loại, dùng thêm băng sinh học, da nhân tạo nếu bỏng sâu, diện rộng. Với bỏng sâu, diện không lớn mà trạng thái cơ thể bệnh nhân tốt, có thể mổ cắt bỏ hoại tử và ghép da sớm ở các cơ sở chuyên khoa.
- Với các di chứng bỏng (sẹo xấu, sẹo dính, sẹo lồi, sẹo co kéo, loét lâu liền...) cần được điều trị sớm bằng phẫu thuật tạo hình để phục hồi chức năng và thẩm mỹ. Các sẹo bỏng nứt nẻ, loét nhiễm khuẩn kéo dài cần được mổ ghép da để tránh bị ung thư da trên nền sẹo bỏng.