Hôn mê vì ăn đặc sản côn trùng
Mỗi tháng bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 10 ca ngộ độc do ăn các món đặc sản, đặc biệt là côn trùng. Mới đây nhất là ngày 17/7, một ca cấp cứu ở tỉnh Bình Phước chuyển lên trong tình trạng hôn mê sâu do ăn nhộng lụy chiên giòn.
Nhộng lụy có thân hình màu trắng giống như con tằm nhưng to béo hơn vì nó chuyên sống trong thân cây.
![]() |
Món côn trùng giờ đây là đặc sản với nhiều người nhưng nếu không cẩn thận, nó sẽ gây ngộ độc cho người ăn |
TS.BS Trần Quang Bình, trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết, hôm 05/7, bệnh viện đã điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn côn trùng từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển lên trong tình trạng như co giật tay chân, tăng tiết, cứng hàm và hôn mê.
Chị Đào Thị Mỹ Ph, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh là vợ của một bệnh nhân cho biết anh Trần Văn M, 40 tuổi chồng chị đào được khoảng 1/2kg nhộng ve sầu nhưng thấy ở đầu nhộng có thêm mấy cọng như râu. Thấy các con nhộng đào có vẻ hơi khác thường với con nhộng ve mà mình đã từng ăn, nhưng vẫn nghĩ là ăn được nên anh đã đem chiên và mời bạn bè trong xóm cùng ăn.
Có 9 người ăn chung, tất cả đều bị ngộ đậu sau ăn khoảng gần 1 tiếng đồng hồ, có 1 người chỉ ăn có nửa con nhộng ve cũng có triệu chứng nôn ói, chóng mặt phải nằm viện 3 ngày mới bình phục. Còn anh M. chị và một người nữa thì phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy do bị co giật tay chân và hôn mê.
Theo TS Trần Quang Bính, các loài côn trùng như dế, ve, nhộng sầu, đuông dừa, bò cạp... từ lâu vẫn được coi là những món ăn rất thơm ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên, TS Bính cảnh báo, các loại côn trùng này, hay các dạng ấu trùng của chúng khi đào lên có thể bị nhiễm nấm độc.
Do trong đất luôn có chứa rất nhiều bào tử nấm độc nên gặp độ ẩm, nhiệt độ, môi trường sinh trưởng thích hợp thì chúng nhiễm vào các con côn trùng, ấu trùng để phát triển và phát tán mạnh.
Điều nguy hiểm là côn trùng, ấu trùng bị các bào tử nấm độc nhiễm vào vẫn giữ nguyên hình dạng. Nhưng phủ tạng bên trong của côn trùng đã bị các sợi tơ nấm độc mọc, phát tán và biến đổi toàn bộ thành một khối sợi nấm độc.
Khi đó nếu sờ vào sẽ thấy thân cứng và mắt của con nhộng có màu trắng đục (trong khi những nhộng ve nếu còn sống thì mắt màu đen, hơn nữa thân mềm và có cử động). Khi bẻ thân các con nhiễm nấm đã chết này ra sẽ nhìn thấy màu trắng đục giống như khúc củ khoai mì tươi sống, có mùi của thực vật.
Côn trùng đã chết dạng nhiễm nấm thì sẽ biến đổi thành cây nấm độc. Nếu ai ăn phải con bị nhiễm nấm độc đã mọc thành cây nấm này ắt bị ngộ độc nấm độc. Các triệu chứng ngộ độc chủ yếu là triệu chứng thần kinh, như chóng mặt, nôn ói, co giật tay chân, tăng tiết, cứng hàm, kích thích, lơ mơ, mê sảng, hôn mê... các triệu chứng nhiều hay ít tùy theo mức độ ngộ độc, lượng đã ăn, cơ địa người ăn.
Bề ngoài chúng vẫn hấp dẫn vì vẫn giữ nguyên hình dạng của con côn trùng hay ấu trùng non. TS Quang Bính lưu ý, người tiêu dùng hãy cảnh giác vì khi đó chúng đã trở thành một cây nấm thật sự và có độc tính, không thể ăn.
Theo
Bùi Hương