Một số điểm cần lưu ý trong phẫu thuật nối dạ dày - hỗng tràng
MỞ ĐẦU
Nối vị tràng là phẫu thuật tạo nên một miệng nối thông thương giữa dạ dày và ruột non.
Phẫu thuật này thường được sử dụng trong những trường hợp loét tá tràng khó (loét sâu ở D1, D2 tá tràng mà phẫu thuật viên không có khả năng cắt bỏ ổ loét vì sợ làm tổn thương bóng Vater, dò tá tràng), hẹp môn vị do loét tá tràng ở bệnh nhân già yếu, bệnh phối hợp, không cắt dạ dày được, những trường hợp ung thư dạ dày, các khối u ở vùng tá tràng, đầu tuỵ gây hẹp môn vị mà không cắt bỏ được khối u... Trong hoàn cảnh ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi nghĩ phẫu thuật này vẫn thường được áp dụng nhiều tại các tuyến huyện và tuyến tỉnh. Phẫu thuật tuy đơn giản nhưng nếu làm không chuẩn sẽ không đạt được kết quả như ý muốn như tỷ lệ loét miệng nối cao hơn, miệng nối không "chạy": lưu thông chậm, hẹp miệng nối...
Bài viết về phẫu thuật nối vị tràng đã được mô tả tương đối kỹ trong cuốn sách phẫu thuật thực hành của Học viện Quân y do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 1996 (trang 346 - 354).
MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý TRONG PHẪU THUẬT
1. Miệng nối phải ở nơi thấp nhất.
Điều kiện để miệng nối ở nơi thấp nhất:
- Phải sát môn vị (miệng nối cách môn vị từ 1,5 - 2cm).
- Miệng nối nằm ở mặt sau dạ dày.
- Miệng nối phải nằm dọc gần bờ cong lớn.
Các điều kiện trên rất quan trọng trong hẹp môn vị do loét dạ dày tá tràng. Vì rằng trong hẹp môn vị dạ dày thường giãn rất to, khi mổ có thể phẫu thuật viên sẽ nối với nơi thấp nhất, sau mổ dạ dày sẽ co lên có khi làm miệng nối bị treo lên ở thân dạ dày, đây có lẽ là một trong những nguyên nhân gây loét miệng nối sau mổ (loét miệng nối sẽ gây đau, chảy máu, hoặc thủng...)
Tuy nhiên trong hẹp môn vị do ung thứ hang môn vị thì miệng nối không còn là sát môn vị mà là sát khối u (cách khối u từ 1,5-2cm).
2. Miệng nối phải đủ rộng.
Theo chúng tôi, nên để miệng nối rộng khoảng 8cm.
3. Miệng nối phải đặt cùng chiều nhu động ruột.
Cùng chiều nhu động ở đây tức là quai đi của hỗng tràng phải về phía môn vị (hay quai đến của hỗng tràng ở bên trái miệng nối còn quai đi của hỗng tràng thì ở bên phải: quai nối hình chữ phi - hình vẽ).
4. Miệng nối phải đi bằng con đường ngắn nhất.
Con đường ngắn nhất đó là quai hỗng tràng đưa lên nối sẽ qua mạc treo đại tràng ngang, cố định mạc treo đại tràng ngang vào dạ dày (cách phía sau trên miệng nối khoảng 1-2cm). Sau đó tiến hành làm miệng nối 2 lớp hoặc 1 lớp khâu vắt hoặc khâu mũi rời tuỳ phẫu thuật viên. Chúng tôi thường làm 2 lớp khâu vắt. Cuối cùng cố định mạc treo đại tràng ngang vào dạ dày (cách phía trước trên miệng nối khoảng 1-2cm). Điều đó có nghĩa là miệng nối cuối cùng sẽ nằm ở tầng dưới của mạc treo đại tràng ngang.
Tuy nhiên trong những trường hợp mạc treo đại tràng ngang bị co rút hoặc khối u xâm lấn vào mạc treo đại tràng ngang thì quai ruột đưa lên nối có thể qua trước đại tràng ngang.
KẾT LUẬN
Nối vị tràng là phẫu thuật đơn giản, miệng nối cần đi bằng con đường ngắn nhất qua mạc treo đại tràng ngang, đủ rộng (8cm), đặt cùng chiều nhu động ruột và nhất là tại vị trí thấp nhất của dạ dày (cách môn vị 1,5-2cm, phía bờ cong lớn, mặt sau dạ dày).
Việc quyết định thay đổi kỹ thuật phụ thuộc vào tổn thương tại dạ dày là chính.