Xử lý khi giẫm phải kim tiêm hoặc bị vật nhọn đâm rách da
Cần nặn máu (không làm ga rô) và dùng các phương tiện sẵn có để tống xuất máu, dịch tiết và những chất dơ bẩn ra khỏi vùng tiếp xúc. Rửa vết thương ở da bằng nước sạch và xà phòng, sát trùng da bằng cồn hoặc cồn có iốt.
Đối với những trường hợp máu bắn vào mắt, mũi, miệng, dùng nước sạch để rửa vết thương, không cần dùng những chất sát trùng mạnh.
Cần ghi nhận các chi tiết có liên quan như: tình huống xảy ra tai nạn, tình trạng của vật gây thương tích (kim cũ, gỉ, nhiều đất cát hoặc có dính máu). Sau đó, hãy đến cơ quan y tế gần nhất, phòng khám điều trị ngoại trú nhiễm HIV hoặc trung tâm Bệnh nhiệt đới để được hướng dẫn. Bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị dự phòng trong 1 tháng, bắt đầu càng sớm càng tốt (không nên để quá 7 ngày kể từ khi bị thương).
Người bị kim tiêm đâm cần làm xét nghiệm tầm soát nhiễm HIV ngay sau khi xảy ra tai nạn, sau 4-6 tuần, 3 tháng và 6 tháng. Kết quả xét nghiệm dương tính vào thời điểm xảy ra tai nạn đồng nghĩa với việc bệnh nhân nhiễm HIV từ trước. Sau 6 tháng, nếu xét nghiệm âm tính thì bệnh nhân không nhiễm HIV do tai nạn này. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên tiêm phòng uốn ván, làm các xét nghiệm tầm soát và tiêm phòng viêm gan B, C vì đa số người nghiện ma túy hiện nhiễm cả virus viêm gan.
Thực trạng đáng lo ngại
Nếu như cả năm 2000, Trung tâm Bệnh nhiệt đới TP HCM tiếp nhận 73 ca giẫm phải kim tiêm hoặc bị vật nhọn đâm rách da, thì trong 9 tháng đầu năm 2001, đã có 71 người gặp tai nạn này đến điều trị tại đây. Phần lớn bệnh nhân là học sinh tham gia chiến dịch thu gom bơm kim tiêm, nhân viên y tế hoặc công an. Có trường hợp trẻ 2 tuổi vừa biết đi đã giẫm phải kim, trẻ em nhặt kim tiêm chơi đâm vào nhau, người đi hát karaoke bị kim tiêm đâm khi ngồi xuống...
Để phòng giẫm phải kim tiêm hay bị vật nhọn đâm rách da, khi thu nhặt bơm kim tiêm, cần trang bị găng tay dày, kẹp sắt và đi ủng cao cổ.
Tuổi Trẻ