Ăn uống chống lão hóa
Cà rốt có chứa chất chống oxy hóa. |
Thủ phạm gây lão hóa là các gốc tự do. Chúng làm cho cấu trúc tế bào trở nên bất thường, thay đổi cấu trúc đạm và ức chế hoạt động men. Việc hấp thụ nhiều chất chống oxy hóa như các loại vitamin, vận động thường xuyên, ăn uống điều độ có thể làm giảm quá trình này.
Lão hóa là quá trình tích tụ những sai lệch do gốc tự do gây ra, làm cho mô ở người lớn tuổi bị xơ dai, không còn mềm mại. Đây chính là nguyên nhân gây nên các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, ung thư... Khi còn trẻ và khoẻ mạnh, cơ thể có sự cân bằng giữa gốc tự do (chất oxy hoá) và chất chống lại gốc tự do (chất chống oxy hóa), do đó gốc tự do không gây tác hại đáng kể. Song khi tuổi càng cao, gốc tự do sẽ chiếm ưu thế, trong khi chất chống oxy hóa lại giảm.
Muốn kéo dài tuổi thọ cần:
Không nên ăn quá no, quá thừa năng lượng nhằm giảm chuyển hóa cơ bản cho cơ thể. Cần có cân nặng hợp lý so với chiều cao bằng cách theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này chỉ áp dụng cho tuổi từ 18 đến 60, không áp dụng cho phụ nữ mang thai và vận động viên. BMI được tính như sau:
Cân nặng (kg) / (chiều cao)2 (mét) = 18,5 - 23.
Đây là chỉ số bình thường cho người châu Á. Nếu >23 sẽ là thừa cân.
Chế độ ăn hằng ngày cần hấp thụ nhiều chất chống oxy hóa để khoá các gốc tự do, giúp cơ thể giảm các bệnh mãn tính, tăng sức chống đỡ bệnh tật, tăng sức dẻo dai trong lao động.
- Các chất chống oxy hóa như vitamin E (có trong giá, đậu xanh), vitamin C (có trong các loại trái cây như bưởi, ổi, cam, quýt...), B caroten thường có trong rau trái có mầu đỏ, vàng, cam, xanh đậm như gấc, bí đỏ, cà rốt, rau muống, rau dền... Lycopen rất nhiều trong cà chua, tanin của trà, nhất là chè tươi và trà xanh rất giàu chất chống oxy hoá như vitamin A, B, C, P.
- Các gia vị như hành, hẹ, rau thơm, tỏi, gừng, riềng, nghệ...
- Một số axit hữu cơ trong rau trái, protein thực vật, nhất là đậu nành.
- Chất khoáng như kẽm, đồng, mangan, selen là những thành phần của các enzym xúc tác hóa giải các phản ứng tạo gốc tự do. Các chất khoáng này có trong sữa, sò, đậu nành, hành tỏi, mè, rau bó xôi... Do đó, mỗi ngày nên ăn 300 g rau và ít nhất 150-200 g trái cây. Mỗi tuần ăn cá ít nhất 3 lần để đủ lượng chất chống oxy hóa trong ngày.
Vận động tập thể dục, thể thao, ăn uống điều độ: cuộc sống lành mạnh, giữ gìn vệ sinh lúc trẻ sẽ giúp tránh được một số bệnh mãn tính như cao huyết áp, cholesterol máu cao, béo phì... Ngoài ra, tập luyện dưỡng sinh sẽ giúp cho khí huyết lưu thông và thư giãn thần kinh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Khanh, Cẩm Nang Tiêu Dùng