Ăn mặn có hại gì?
Thực phẩm chế biến sẵn chứa rất nhiều muối. |
Người dân Bắc Nhật Bản từng dùng 25-30 g muối/ngày, và 40% dân số ở đây bị cao huyết áp. Trong khi đó, dân miền Nam chỉ ăn mỗi ngày 10 g muối, tỷ lệ mắc bệnh là 20%. Người Eskimô và vài bộ lạc châu Phi rất ít bị cao huyết áp do thói quen ăn nhạt.
Muối ăn là một loại gia vị không thể thiếu. Nếu ai chẳng may mắc một số bệnh phải ăn nhạt hoàn toàn thì thật là khổ sở vì sẽ mất đi cảm giác ngon miệng. Thế nhưng nếu ăn nhiều muối thì lại không tốt cho sức khỏe (muối ở đây bao gồm cả muối ăn, nước mắm, bột canh). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa muối ăn và bệnh cao huyết áp. Những quần thể dân cư có tập quán ăn mặn luôn có tỷ lệ người cao huyết áp lớn hơn so với các quần thể có tập quán ăn nhạt.
Ở Việt Nam, Viện dinh dưỡng từng điều tra về lượng muối mà một người tiêu thụ
mỗi ngày, kết quả: người Nghệ An 14 g, người Thừa Thiên Huế 13 g; tỷ lệ cao
huyết áp ở 2 địa phương này là 18%. Ở Hà Nội, người dân ăn mỗi ngày 9 g muối, tỷ
lệ mắc bệnh là 11%.
Thực tế lâm sàng cũng cho thấy: một chế độ ăn nhạt,
nhiều rau và quả chín có tác dụng hạ huyết áp. Những người bị cao huyết áp dùng
thuốc lợi tiểu thải muối sẽ hạ được huyết áp.
Tại sao ăn nhiều muối lại bị tăng huyết áp? Vì nó làm tăng tính
thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn
của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch,
gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp. Việc ăn nhiều muối
cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần
kinh giao cảm, tăng hoạt động của hệ renin - angiotensin, dẫn đến tăng tái hấp
thu natri ở ống thận. Ion natri vào nhiều trong tế bào của cơ trơn gây co mạch,
tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp.
Thành phần chính của muối ăn là
natri. Natri trong chế độ ăn có từ 2 nguồn: nguồn có sẵn trong thực phẩm và
nguồn cho thêm vào thức ăn trong quá trình chế biến (phần này phụ thuộc vào từng
người). Theo một số tác giả, một chế độ ăn không cho thêm muối cũng đã cung cấp
1,6 g natri, tương đương với 4,1 g muối ăn.
Một ngày nên ăn lượng muối bao nhiêu là đủ? Đối với người bình
thường không bị tăng huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng
mặn cũng chỉ nên ăn 6-8 g muối một ngày, mì chính không nên ăn quá 5 g/ngày.
Những người từ 45 tuổi trở lên cũng nên ăn hạn chế muối. Ngay cả đối với trẻ em
từ khi bắt đầu ăn bổ sung cũng nên tập thói quen ăn nhạt, khi nấu bột có thể
không cần cho thêm muối, nhất là trong những trường hợp trộn thêm sữa bột, pho
mát vào bột, cháo; vì bản thân muối trong thức ăn cũng đã đủ cho nhu cầu của
trẻ. Trong những trường hợp trẻ đã quen ăn muối thì cũng nên nấu nhạt hơn so với
khẩu vị của người lớn. Vì chức năng thận của trẻ còn yếu nên khả năng thải muối
kém, natri bị tích tụ nhiều trong cơ thể không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Trong bữa ăn hằng ngày, không nên dùng quá nhiều thực phẩm chứa nhiều muối như:
dưa cà muối mặn, mắm tôm, cá mắm, thịt cá đóng hộp, thịt hun khói, thịt sấy khô,
thịt muối, các loại thức ăn chế biến sẵn, các loại rau quả đóng hộp...
Những người bị tăng huyết áp nên ăn nhạt, chỉ dùng 2-3 g muối/ngày và ăn hạn chế
các loại thực phẩm chứa nhiều muối. Nên bỏ thói quen dùng thêm bát nước mắm
trong bữa ăn, kể cả chấm rau luộc. Những người bệnh suy thận, suy tim phải thực
hiện chế độ ăn nhạt tùy theo từng giai đoạn của bệnh; ở giai đoạn nặng phải ăn
nhạt hoàn toàn, tức không được sử dụng muối và mì chính trong chế biến cũng như
tại bàn ăn, không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối.
ThS Lê Thị Hải, Sức Khỏe & Đời Sống