CHẾ ĐỘ AN THAI
Lương y TRẨN KHIẾT
GV trường ĐHYD TPHCM
Phụ nữ trong thời kỳ có thai, sinh lý có một số thay đổi đặc biệt, điều rõ nhất ở lượng máu và đồng hóa dị hóa tăng lên. Những thay đổi sinh lý này đòi hỏi được bù đắp bằng ăn uống cho người mẹ, đồng thời thai cũng đòi hỏi có đủ dinh dưỡng để phát triển. Do đó phụ nữ có thai phải đặc biệt chú ý việc ăn uống, mặc ấm và vệ sinh dinh dưỡng. Y học rất quan tâm đến điểm này, cho rằng chế độ ăn uống và vệ sinh dinh dưỡng không những liên quan đến sức khỏe của người mẹ mà còn rất quan trọng đối với sự phát triển bình thường của thai.
Trong "Liệt nữ truyện" có ghi: Ngày xưa phụ nữ có thai, ngủ không nằm nghiêng, người không lệch, đứng không xiêu vẹo, không ăn thức ăn có độc và mất vệ sinh, mắt không nhìn tà sắc, tai không nghe nói chuyện dâm loạn, hành ác, bạo lực, như thế sanh con mới đoan chính, thông minh tài ba hơn người. Thời hậu Hán trong "Kim quỹ yếu lược" của Trương Cơ chuyên bàn về các chứng, mạch của phụ nữ có thai và các cách chữa trị, có ghi rõ các điều cần kiêng kî trong ăn uống, ví dụ: thời kỳ có thai thì dấm (rượu gạo), nước mắm, nước đại mạch, cháo tiểu mạch là 4 loại nên ăn, còn gừng, thịt thỏ, thịt sơn dương, mỡ con hươu, con nai đều nên kiêng.
Về sau các nhà y học vận dụng:
- Cháo cá chép: Thức ăn chữa được chứng phù và an thai.
- Cháo gà gạo tẻ: Dinh dưỡng tốt và an thai.
- Gạo nếp, men rượu: Thức ăn chữa được thai động.
- Giá đậu đỏ: Bột giá đậu đỏ uống với ít rượu ấm trị được lậu thai (thai mấy tháng vẫn có lúc ra máu, do huyết quá nóng hoặc gần với chồng làm tổn hại thai).
- Lòng đỏ trứng gà: Luộc với rượu ăn hàng ngày an thai và ngừa được số bệnh khác.
- Gan gà: Chưng với rượu ăn hàng ngày an thai.
- Thịt gà mái đen: Nấu gạo tẻ an thai.
Tất cả các thức ăn trên, người phụ nữ có thai nên chế biến làm thức ăn hàng ngày rất tốt. Trong sách "Đạt sanh biên" có đề cập: Phụ nữ có thai nên ăn uống đạm bạc, không nên ăn chất béo nồng, kích thích mạnh, thức ăn nước uống quá đậm đặc, chất cay nóng, tránh ăn quá béo, quá ngọt, quá mặn và còn cần phải biết cách sống với tình chí bình thường, thanh thản; Tránh vui giận, buồn, lo, sợ sệt quá sẽ tổn thương đến nội tạng của thai phụ.
Lo buồn nhiều thì khí uất kết, suy nghĩ nhiều thì khí bị ngăn lại, giận tức nhiều thì khí bị đưa lên, huyết cùng lối càng bị vọng hành, chẳng những tổn thương đến thai nhi mà còn sinh nhiều bệnh tật khác cho người đàn bà.
Ngày xưa, khi có thai từ 3 tháng trở lên thì thường về nhà cha mẹ ruột, tránh sự gần gũi chồng, để dưỡng thai và bảo vệ sức khỏe sau khi sanh. Nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng không tự khuyên nhau kiêng cữ, phòng dục quá độ có thể gây trụy thai hoặc tinh khí xấu ngưng đọng, bao bọc nhau thai... gây ra chứng ho và tổn.
Thai nhi luôn luôn chịu ảnh hưởng mọi sinh hoạt đời sống của người mẹ, nên người mẹ phải thận trọng trong việc ăn uống các chất chua, đắng, mặn, ngọt, cay nhiều quá làm tổn thương đến 5 tạng.
Nói về tình chí, người mẹ thường vui mừng quá độ thì tổn thương đến tâm, khí bị hao tán, sinh chứng hồi hộp, kém trí nhớ. Giận nhiều thì tạng can bị tổn thương, khí bị đưa ngược lên, sinh ra chứng huyền vựng (xây xẩm, huyết áp dao động)... Suy nghĩ quá thì hại tỳ, khí bị uất, sinh chứng no hơi, đầy bụng, kém ăn, mất ngủ. Phiền lo quá thì hại tạng phế, khí bị kết đàm trệ, sinh chứng tức ngực, khó thở, hen suyễn... Kinh sợ quá thì hại thận, khí thường bị giáng xuống (khí trệ), thai trệ, tiểu không thông, cảm thấy tức ở hậu môn, tiểu rắt buốt.
Theo lời dặn trên, người đàn bà phải cố gắng thực hiện và kể cả người chồng cũng phải biết trọng sinh mạng vợ con đừng vì dục vọng riêng tư, thỏa mãn cá tính. Hạnh phúc chỉ đến với gia đình khi nào được sống với cảnh vợ khỏe, con ngoan.