Sẽ sớm có vắc-xin ngừa virus H5N1?
7 chuyên gia dịch tễ học và xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh
Mỹ (CDC) đã tới Việt Nam cùng các chuyên gia điều tra bệnh dịch của Tổ chức Y tế
Thế giới (WHO), nhằm giúp Việt Nam chống lại sự lây lan của bệnh cúm gà. Trong
khi đó, đã bắt đầu có những tin tức lạc quan rằng việc tìm kiếm một loại vắc-xin
phòng bệnh có thể nhanh chóng mang lại kết quả. Năm ngoái, dưới sự tài trợ của
WHO, các nhà khoa học Anh và Mỹ đã bào chế được một loại vắc-xin tiềm năng ngừa
H5N1 chỉ 2 tháng sau khi cúm gà bùng phát ở Hong Kong.
Các phòng thí nghiệm tại Hong Kong và Tokyo (Nhật Bản) đang nhanh chóng giải mã
gene của virus cúm gà ở Việt Nam để xem liệu nó có giống với virus H5N1 trong
đợt dịch ở Hong Kong vào năm ngoái hay không. Từ Geneva (Thụy Sĩ), Klaus Stoehr,
giám đốc Chương trình Cúm toàn cầu của WHO, cho biết: ''Vào cuối tuần này, nếu
xác định được virus ở Việt Nam giống với virus năm ngoái ở Hong Kong thì chúng
ta đã có một vắc-xin mẫu''.
Loại vắc-xin mẫu này đã trải qua các thử nghiệm cơ bản về tính an toàn cũng như hiệu quả của nó ở gà và chồn sương. Chồn sương được sử dụng như một vật thay thế người trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, vắc-xin H5N1 cũng đã được thử nghiệm để kiểm tra tính ổn định di truyền của nó và các kháng nguyên - tác nhân kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể.
![]() |
Cấu trúc virus H5N1. |
Nếu các dạng virus H5N1 ở Hong Kong và Việt Nam giống nhau, WHO sẽ phối hợp với các công ty dược phẩm tiến hành thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin mẫu, xác định liều lượng phù hợp. Quá trình này có thể phải mất 1 tháng. Nếu vắc-xin mẫu vượt qua được tất cả những rào cản trên, sau đó nó có thể được sản xuất và phân phát.
Đêm 19/1/2004, một nhóm 7 chuyên gia dịch tễ học và xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ (CDC) đã tới Việt Nam cùng với các chuyên gia điều tra bệnh dịch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm giúp Việt Nam chống lại sự lây lan của bệnh cúm gà từng làm thiệt mạng ít nhất năm người. Phát ngôn viên của CDC cho biết các chuyên gia của họ sẽ làm việc với cả Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp của Việt Nam.
Nhà khoa học Alan Hay thuộc Trung tâm cúm thế giới ở London (Anh) cho biết vắc-xin mẫu được bào chế tại Bệnh viện nhi St.Jude (Mỹ) và Viện tiêu chuẩn sinh học quốc gia (Anh). Đây là hai nơi đã hợp tác với WHO nghiên cứu virus cúm ở động vật. Để sản xuất vắc-xin mẫu, các nhà nghiên cứu đã lấy các gene ở bề mặt của virus H5N1. Những gene này mã hoá haemogluttinin - protein làm virus H5N1 trở nên nguy hiểm.
Sau đó, các gene trên được biến đổi để làm cho chúng an toàn và được cấy vào một dạng virus ''chủ'' . Virus chủ thường được sử dụng để bào chế vắc-xin. Khi được tiêm vào cơ thể, vắc-xin sẽ không gây bệnh. Ngược lại, nó làm hệ miễn dịch nhận ra H5N1. Để tăng cường tính an toàn của vắc-xin, virus ''chủ'' thường được làm cho yếu đi bằng cách cho nó tiếp xúc với một loại hoá chất.
Tuy nhiên, Hay cho biết nếu vắc-xin mẫu đáp ứng được mọi tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả thì vẫn còn một số rào cản trước khi nó được sản xuất hàng loạt để bảo vệ người dân châu Á khỏi H5N1. Một số quốc gia, chẳng hạn các thành viên của EU, coi những virus trong vắc-xin là sinh vật chuyển đổi gene và có những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn sinh học. Do đó, quá trình sản xuất có thể bị cản trở. Ngay cả khi được phép, việc bào chế vắc-xin có thể kéo dài nhiều tháng. Nguyên nhân là phần lớn vắc-xin được ''nuôi'' trong trứng tại các nhà máy dược phẩm, song các nhà máy này cần đặt hàng nhiều trứng trước đó khá lâu để đáp ứng kế hoạch sản xuất.
Minh Sơn (Tổng hợp)