BỆNH DO TỰ KHÁNG THỂ Ở NGƯỜI CAO TUỔI
GS. PHẠM KHUÊ
Viện Lão khoa Việt Nam
Tự kháng thể này càng
nhiều khi tuổi càng cao. Tự miễn dịch gây nên một số bệnh nhưng cũng có thể
là yếu tố thúc đẩy quá trình lão hóa. Rất nhiều cơ quan chịu ảnh hưởng của
tự miễn dịch ở lứa tuổi cao nhưng phổ biến là:
TỰ MIỄN DỊCH KHÁNG
GIÁP TRẠNG
Viêm tuyến giáp
Hashimoto, viêm giáp trạng kinh diễn lymphô bào, khá phổ biến. Sau một đợt
cường giáp thường ngắn, tổn thương dẫn đến suy giáp trạng, có thể dẫn đến
phù niêm. Trong các bệnh nói trên, đã phát hiện được rất nhiều kháng thể
kháng giáp, cụ thể là kháng thể kháng thyroglobulin, các chất coloit, tế bào
biểu mô, nang, nhân. Tất cả các kháng thể không phải đều có vai trò như
nhau. Loại có khả năng gây bệnh phần lớn là các kháng thể kháng bào tương.
Không có mối tương quan giữa số lượng kháng thể và mức độ nặng nhẹ của bệnh.
TỰ MIỄN DỊCH KHÁNG DẠ
DÀY
Ở người cao tuổi, hay gặp
viêm teo dạ dày có độ toan dạ dày giảm, yếu tố nội tại mất trong dịch vị. Về
mặt giải phẫu, niêm mạc dạ dày mất các tế bào viền, có hiện tượng tăng sinh
như ở ruột. Hai loại kháng thể hay gặp là kháng thể kháng microsom của các
tế bào thành dạ dày và kháng thể kháng yếu tố nội tại. Những kháng thể này
tăng theo tuổi. Về già số người bị viêm teo dạ dày ở nữ nhiều gấp đôi nam.
Có mối liên quan rất chặt chẽ giữa kết quả xét nghiệm miễn dịch học, tổ chức
học và thăm dò chức năng dạ dày. Hậu quả không chỉ khu trú trong phạm vi
tiêu hóa mà ảnh hưởng không nhỏ đến máu vì dạ dày là cơ quan hấp thu sắt và
vitamin B12.
TỰ MIỄN DỊCH KHÁNG
THƯỢNG THẬN VÀ KHÁNG TỤY
Kháng thể kháng thượng
thận hay gặp ở bệnh nhân suy thượng thận mạn tính vô căn; trái lại không gặp
ở bệnh nhân Addison thứ phát do lao hoặc nguyên nhân khác. Đái tháo đường và
các rối loạn tiềm tàng chức năng điều hòa glucid hay gặp ở người cao tuổi và
cũng đã chứng minh được có hiện tượng gắn insulin huỳnh quang ở các tổn
thương tổ chức thứ phát của đái tháo đường như ở võng mạc, cầu thận... Đối
với tuyến tụy ngoại tiết đã tìm thấy nhiều kháng thể kháng tế bào tuyến nang
trong viêm tụy tạng kinh diễn.
MỐI LIÊN QUAN GIỮA CÁC
HIỆN TƯỢNG TỰ MIỄN DỊCH NÓI TRÊN
Trên cùng một người có
thể phát hiện được nhiều tự kháng thể kháng cơ quan khác nhau như các kháng
thể vừa nêu ở trên. Thực tế lâm sàng cho thấy những người mắc bệnh tuyến
giáp hay có thiếu máu ác tính do thiếu vitamin B12. Suy dạ dày chức năng
cũng hay kèm theo rối loạn tuyến giáp. Nhiều bệnh nhân bị thiếu máu Biermer
có kháng thể kháng thượng thận hay kháng giáp. Cũng như vậy ở bệnh nhân đái
tháo đường đã phát hiện được kháng thể kháng giáp, kháng dạ dày kháng yếu tố
nội tại, tuổi càng cao càng hay gặp sự phối hợp của nhiều kháng thể trên một
người. Nhiều công trình đã chứng minh là các tự kháng thể đó hoàn toàn khác
nhau, cùng có mặt trong huyết thanh chứ không phải là hiện tượng một kháng
thể có phản ứng chéo với nhiều cơ quan. Rất hạn hữu mới gặp một kháng thể
cho phản ứng chéo.
CÁC BỆNH DO TỰ KHÁNG
THỂ KHÁC
Về tiêu hóa: Nhiều bệnh nhân mắc Hội chứng
Siogren có kháng thể kháng tuyến nước bọt. Viêm trực đại tràng chảy máu,
được xếp vào loại bệnh tự miễn. Xơ gan mật tiên phát có tự kháng thể kháng
ty lạp thể...
Về tim mạch: Sau nhồi máu cơ tim có nhiều kháng
thể kháng cơ tim; các kháng thể này tấn công chủ yếu các protein có sợi cơ,
xuất hiện nhất thời và mất đi trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, và gây nên
hội chứng sau nhồi máu cơ tim. Trong vữa xơ động mạch có cơ chế tự miễn
chống lại tổ chức liên kết của động mạch, trong đó có elastin là một tự
kháng nguyên. Trong bệnh động mạch thái dương còn gọi là bệnh horton, xuất
hiện chủ yếu ở người cao tuổi có cơ chế tự miễn. Có sự gắn insulin ở các tổn
thương mạch máu người đái tháo đường cao tuổi.
Về thận tiết niệu: Hay gặp phản ứng immuas-globulin
bất thường trong viêm bể thận - thận mãn ở người cao tuổi. Trong việc duy
trì tăng huyết áp do bệnh thận, có yếu tố tự miễn dịch. Đã gây được tăng
huyết áp thực nghiệm ở động vật lành bằng cách truyền các tế bào lympho lấy
từ các động vật bị tăng huyết áp do tổn thương thận.
Về khớp: Trong viêm đa khớp dạng thấp có các
tự kháng thể thuộc loại globulin to, kiểu IgM có tính đặc hiệu cao. Trong
cùng một huyết thanh, song song tồn tại những yếu tố dạng thấp có đặc tính
khác nhau, được tiết ra tại chỗ có tổn thương thấp. Gặp nhiều plasmocyt thấm
nhiễm màng hoạt dịch bị tổn thương.
Yếu tố kháng nhân: Thường gặp ở bệnh luput ban đỏ
nhưng có thể gặp ở mọi bệnh chất tạo keo khác. Tuổi càng cao càng hay gặp
các yếu tố kháng nhân mặc dầu không có hay ít có biểu hiện lâm sàng. Các
kháng nguyên có thể là acid desoxyribonuleic hoặc nucléoprotein, histon
glycoprotein nhân.
Về máu: Có loại phản ứng do agglutinin lạnh
và có loại tự kháng thể nóng. Loại đầu thường do một bệnh virus hoặc
lymphosacom lưới. Loại sau có thể xuất hiện khi có ung thư hoặc tự phát các
agglutinin lạnh là các IgM globulin và các agglutinin nóng thuộc loại IgG.
Cả hai đều có thể cố định bồ thề và gây tan máu.
Về phổi phế quản: Trong bệnh xơ phổi hay gặp yếu tố
kháng nhân, yếu tố dạng thấp, kháng thể kháng cơ quan không đặc hiệu . Do
vậy, bệnh gần gũi với nhóm bệnh tạo keo. Có thể tổn thương các sợi chun
trong giãn phế nang là do kháng thể kháng elastin.
Nhìn chung tuổi càng cao
tự kháng thể càng nhiều nói lên hiện tượng tự miễn dịch xảy ra trên cơ thể
già gây nên nhiều tổn thương bệnh lý trong đó chỉ có một số biểu hiện lâm
sàng. Điều đó giải thích phần nào tính chất đa bệnh lý ở tuổi già, tính chất
đa dạng, không điển hình của bệnh cảnh, tính chất phức tạp của diễn biến dẫn
đến sự khó lường trong tiên lượng.