Bác sĩ vui tính (phần 18)
V.A là gì? Tại sao người lớn không phải nạo “nấm họng” như trẻ em?
V.A. là đám amiđan nhỏ, mọc lùi sùi như nấm ở vòm họng. Đó là một "đồn biên phòng" trong vành đai bảo vệ ở ngã tư họng, nơi gặp nhau giữa đường ăn và đường thở của chúng ta. Đồn này yếu, thường bị vi trùng "chiếm đóng", gây ra bao nhiêu chuyện rắc rối ở nhiều miền khác nhau của cơ thể. Theo thời gian, V.A. dần mất tác dụng, teo lại, và đến 12 tuổi thì biến mất. Người lớn nào có cái V.A. sót lại thì sẽ bị viêm nhiễm luôn luôn, nhưng trường hợp này rất hiếm.
Những em bé khá bụ bẫm nhưng có nước da trắng xanh, dáng lờ đờ (y học gọi là “tạng bạch thể”) là hay bị sưng V.A. nhất. Chúng lúc nào cũng há hốc mồm vì lỗ sau mũi bị V.A. đút nút nên phải thở miệng. Trẻ em bị sưng V.A thường có chân tay khẳng khiu, ngực lép, xương sống vẹo… do thiếu thở và cũng vì V.A. tiết ra một chất kìm hãm nội tiết tố sinh trưởng của tuyến yên. Chứng viêm V.A còn gây ra nhiều tật bệnh khác ở trẻ như ho hen, tháo dạ, thối tai, đêm ngủ giật mình, mê hoảng, nghiến răng, đái dầm, học hành lơ đãng, tiếp thu kém...
Giữa họng và tai có một ống thông. Nếu V.A. làm tắc ống này thì sinh nghễnh ngãng. Có một em ba năm liền thi trượt, đến khi nạo V.A. thì học khá hẳn và đỗ loại ưu vì nghe rõ bài giảng.
Các bác sĩ thường nạo V.A. cho các em bé từ 1 đến 4 tuổi. Bé chưa tròn năm mà bị viêm tai xương chũm dai dẳng, tắc thở, hen suyễn cũng cần nạo V.A. Với các em trên bốn tuổi, khi cắt amiđan, bác sĩ cũng nạo luôn V.A. cho tiện, chỉ một phút là xong. Ngoài phẫu thuật, có thể đặt vào họng những ống phóng xạ radi hoặc chiếu tia X liều nhẹ để phá các tế bào V.A. bị viêm nhiễm.
Sau khi được nạo V.A., cần ăn nhiều rau quả tươi, vitamin. Những em bị tạng bạch thể thì uống thuốc cốm canxi, xi rô iodotanic, dầu cá… Phải giữ vệ sinh mũi họng, răng miệng, thở đằng mũi, tập thở nơi không khí thoáng.
Những rắc rối xung quanh tiếng ngáy
Ngáy to thường là tướng người khoẻ, có khi quá béo tốt. Cơm no rượu say, vừa đặt mình xuống là anh ta "kéo gỗ". Tiếng ngáy đánh thức láng giềng, còn anh chàng thì yên chí lớn, cứ tưởng mình đang ngủ một cách lặng lẽ nhất. Lúc tỉnh dậy có ai hỏi, thể nào anh nào cũng chối thành thật: "Mình có ngáy tí nào đâu!"
Thời Tam Quốc bên Tàu, có một dũng tướng chết oan vì ngáy. Hôm ấy ở Lãng Trung, Trương Phi say rượu, ngủ mà mắt mở trừng trừng, răng nghiến ken két, râu vểnh ngược. Hai tì tướng Phạm Cương, Trương Đạt mưu giết chủ soái, sợ không dám lại gần. Sau thấy Trương Phi ngáy như sấm, biết là đang ngủ kỹ, chúng mới yên tâm sát hại ông.
Xem tướng Trương Phi đã thấy thuộc loại ngáy khoẻ: vóc người đẫy đà, sức thở mạnh mà ống họng lại đặc như gốc tre đực. Trương Phi hay uống rượu. Rượu làm niêm mạc sưng tấy, chít hẹp hai lỗ mũi. Hơi cay không có đường ra, đành phải tuôn cả ra mồm, làm thành tiếng ngáy như sấm vang.
Trong các truyện của văn hào Mỹ Mark Twain, có gã Map Poto hễ câu được con cá nào liền nhắm với rượu Whisky, ngủ đầu đường xó chợ, ngáy vang rền, chó sủa bên tai cũng không tỉnh giấc. Vì thế gã suýt bị vu oan giết người. Tên cướp Gio da trắng lai đỏ và đồng bọn vì ngủ ngáy mà lộ mưu cơ, mất cả hòm vàng.
Nếu bạn thở thông suốt qua hai lỗ mũi thì muốn ngáy cũng khó đấy! Nhìn ai ngáy cũng thấy họ thở phò phò qua cái mồm há hốc. Luồng không khí hít vào, thở ra qua một chỗ hẹp, rít lên, làm rung động vòm miệng mềm có lưỡi gà.
Nếu nằm ngửa cổ, cái lưỡi (vốn đã dày lại mềm) dễ tụt ra sau, lấp cuống họng và làm phát tiếng ngáy. Cách chữa thật đơn giản: nằm nghiêng một bên. Những người quen để tay lên trán, vô ý đè phải mũi, hoặc nằm sấp ngủ cũng thường hay ngáy. Có người nảy sáng kiến buộc dây ngang ngực, khi trở mình, sai tư thế thì sợi dây nhắc nhở nằm lại cho ngay ngắn.
Có phải người ngáy bao giờ cũng “ngủ kỹ, ăn no, không lo, không bệnh”?
Không phải mọi người ngáy đều béo tốt, khoẻ mạnh, không mắc bệnh tật gì. Bài ký “Đất đang gieo” của Nguyễn Bão kể chuyện anh Toán “tiếng ngáy khan có lúc ngưng lại như tắc, rồi lại bật lên khò khè, hình như anh đang mơ gì đó, một bên chân mày nhíu lại. Tướng ông này rứa mà khổ, đến ngủ mà cũng khó nhọc thế kia”. Rất có thể anh Toán đã bị ốm.
Tiếng ngáy rền vang, âm sắc khác thường, cùng với các triệu chứng khác mới xuất hiện và sự suy yếu cơ thể nhiều khi là hồi chuông báo hiệu một bệnh cần chữa chạy. Đi khám, có khi thầy thuốc gắp ra từ trong mũi em bé một hạt đậu, viên bi hoặc hòn sỏi. Có trường hợp một cô gái quen tắm ao, bỗng xuất hiện chứng ngáy, da nhợt nhạt, gần lả đi. Bác sĩ tai mũi họng soi thấy một con đỉa đã no máu bám vào họng mũi đã hai ngày.
Từ triệu chứng ngáy, thầy thuốc có thể phát hiện ra cái V.A. đã sùi lên như hoa súp lơ, chẹt cửa sau hai lỗ mũi, làm cho bé xanh xao vì thiếu thở và ngáy như thổi bễ. Chỉ cần vài động tác tay nạo sạch V.A. là bé hết ngáy và lại đỏ da thắm thịt. Amiđan to cũng gây ra ngáy. Muốn khỏi bệnh thì phải cắt bỏ hoặc đốt điện.
Còn biết bao nhiêu bệnh ở mũi họng được báo động bằng tiếng ngáy. Đó có thể là chứng cảm mạo thông thường với triệu chứng sổ mũi, ngạt mũi, viêm họng, ho, khạc nhiều đờm dãi. Chỉ cần xông, uống thuốc long đờm, nhỏ mũi ephedrin làm cho niêm mạc mũi bớt sưng là khỏi. Nhưng cũng có khi ngáy là biểu hiện của những bệnh nguy hiểm và phức tạp hơn như giãn tĩnh mạch ở họng, polip (u lành) trong mũi, bướu các loại ở mũi, vòm miệng, cuống phổi và phổi…
Chữa các bệnh này là công việc của bác sĩ. Còn chúng ta thì hằng ngày nên chịu khó súc miệng sạch, giữ thói quen thở bằng mũi, nằm ngay ngắn, ăn uống điều độ, theo đúng phép vệ sinh. Bằng cách ấy, bạn có thể hy vọng có một giấc ngủ say yên tĩnh!
(còn tiếp)