Mộng tinh không phải là bệnh
Tập thể thao là một cách để tránh những ám ảnh quá mức về sex. |
Có nhiều bạn trẻ hay bị phóng tinh trong lúc ngủ mơ thấy làm "chuyện ấy" với người khác giới; đó là mộng tinh. Những người hay gặp phải tình trạng này thường rất băn khoăn, lo lắng cho là mình bị yếu thận, suy nhược hoặc mắc bệnh thần kinh...
Thực ra, mộng tinh không có gì khó hiểu hay bất thường. Hiện tượng này chứng tỏ rằng trong lúc ngủ, trung ương thần kinh chỉ đạo về tình dục và một bộ phận của lớp vỏ đại não liên quan tới nó vẫn hoạt động.
Mộng tinh là một hiện tượng sinh lý ở những người đang có sự phát triển mạnh về tính dục (thanh thiếu niên). Tinh hoàn ngoài chức năng tạo chất nội tiết sinh dục nam (testosteron) còn có nhiệm vụ quan trọng là sản xuất tinh trùng hằng ngày hằng giờ. Nuôi dưỡng tinh trùng có dịch của túi tinh và của tuyến tiền liệt, tuyến Cowper. Đó là tinh dịch với dung lượng 2-4 ml mỗi lần mộng tinh phóng ra. Vì không có giao hợp nên tinh dịch tích lũy nhiều phải tìm cách thoát ra như kiểu "đầy thì tràn", và đó là bình thường.
Theo nhịp sinh học của testosteron, vào 3-4 giờ sáng, nồng độ tinh
dịch lên cao nhất. Vì vậy, vào lúc này, nam thanh thiếu niên hay mơ
thấy chuyện ái ân, dương vật cương cứng thôi thúc ham muốn tình dục,
dẫn đến xuất tinh, tạo ra cảm giác cực khoái.
Nói chung mộng
tinh không có hại cho sức khỏe, và hiện tượng này sẽ giảm dần theo
tuổi rồi tự nhiên hết. Mộng tinh nhiều lần trong tuần liên quan đến
thói quen tự kích dục, không tốt cho sức khỏe (bởi cái gì thái quá
vượt ngưỡng bình thường đều có hại).
Những bạn trẻ mộng tinh tới 2-3 lần/tuần nên thay đổi lối sống: vui chơi lành mạnh, tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động xã hội có ích, không xem các ấn phẩm khiêu dâm, và cố gắng gạt bỏ những ý nghĩ vương vấn về tình dục lúc ban ngày. Thực hiện được những điều đó, đêm bạn ngủ sẽ ngon giấc. Nếu thỉnh thoảng vẫn có mộng tinh thì cũng là điều bình thường, không đáng lo.
BS. Đinh Nguyên Đức, Sức Khoẻ & Đời Sống