XÁC ĐỊNH GIỚI TÍNH: TÔI LÀ AI, NAM HAY NỮ?
BS. NGUYỄN THÀNH NHƯ
Kể từ thời điểm trọng đại
mà đứa bé mới sinh được cha mẹ, các bà mụ, "ông mụ" (bác sĩ sản khoa) xác
định giới tính là nam hay nữ căn cứ vào bộ sinh dục ngoài, đứa bé sau đó sẽ
được dạy dỗ theo hướng nam hay nữ. Nào là "con trai thì không được khóc nhè,
xấu lắm, "con gái gì mà phá như quỷ"... Mỗi đứa trẻ sẽ được mong đợi để trở
thành một người đàn ông, một người đàn bà tiếp tục duy trì nòi giống. Tuy
nhiên, bất cứ bộ phận nào trên cơ thể cũng có thể bị bất thường bẩm sinh, bộ
sinh dục, cũng như giới tính nói chung cũng không nằm ngoài quy luật đó. Có
những dị tật trên các cơ quan đầu não như tim, não... đe dọa tới tính mạng,
còn bất thường về cơ quan sinh dục, về giới tính thì thường chẳng làm chết
ai nhưng lại là những bất hạnh đeo đẳng cả đời.
Trên giấy khai sanh,
chứng minh nhân dân hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào khác, chỉ có hai cột
giới tính: nam hay nữ. Dưới con mắt y học phương Tây, chỉ khoảng 95% nhân
loại là may mắn biết rõ mình là nam hay nữ và mạnh dạn chứng tỏ cho mọi
người thấy điều đó qua dáng vẻ, lời nói, cách cư xử, cách ăn mặc. Phần còn
lại là những người có "vấn đề". Hàng loạt từ ngữ, thường hàm ý chế nhạo, ra
đời để dành cho họ như "pédé", những chàng "queens", ái nam ái nữ... Vậy
thực hư ra sao? Có bao nhiêu "loại" giới tính? Chúng ta hãy nghe ý kiến của
những nhà tình dục học phương Tây.
Trước hết nên hiểu có sự
khác nhau giữa nhận dạng giới tính (gender identity) và vai trò giới tính
(gender role) cho dù đây là hai mặt của một đồng xu. Nhận dạng giới tính là
điều mà mỗi người tự nhìn nhận mình là nam hay nữ, là kinh nghiệm riêng của
mỗi người; trong khi vai trò giới tính là những gì mà một người chứng tỏ ra
bên ngoài như một người nam hay nữ. Một người có thể nhận dạng mình là nam,
biểu hiện vai trò của đàn ông và bên ngoài nhìn vào ai cũng cho người đó là
nam; nhưng rủi thay có người ai nhìn vào cũng cho họ là nữ, chỉ có mỗi mình
họ là "biết" họ là nam, và để khỏi bị dị nghị, người đó cố tỏ ra vai trò của
một phụ nữ. Cái đồng xu hai mặt này (nhận dạng giới tính và vai trò giới
tính) được hình thành từ các yếu tố tâm lý, xã hội và chỉ có ở loài người.
Còn các yếu tố đặc trưng cho giới tính như nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục
bên trong và cơ quan sinh dục bên ngoài, là những yếu tố sinh học. Oái oăm
là người ta thường chỉ căn cứ vào cơ quan sinh dục ngoài để xác định giới
tính, còn "quên" đi những yếu tố kia. Bởi vậy cuộc sống mới phức tạp.
Để dễ hiểu, giới tính
có thể tạm phân loại như sau:
Dị giới tính (hereterosexuality) hay những người
được coi là bình thường. Họ có nhiễm sắc thể giới tính là XX nếu là nữ, hay
XY nếu là nam. Khi trưởng thành, đàn ông chỉ thấy "yêu" các cô mà thôi và
ngược lại phái nữ cũng chỉ thấy "đau tim" khi gặp những chàng trai thanh
lịch. Họ may mắn có một bộ phận sinh dục trong và ngoài hoàn toàn bình
thường để làm tròn những chức năng mà tạo hóa giao cho.
Đồng giới tính (homosexuality), cho tới hiện nay
chẳng ai hiểu trục trặc xảy ra ở khâu nào của quá trình hình thành giới tính
mà lại cho ra những người đồng giới tính, cũng như chẳng ai hiểu vì sao, đàn
ông đã hiếm rồi, mà số người đồng giới tính nam lại gấp ba số đồng giới tính
nữ. Họ là những người hoàn toàn bình thường về mặt sinh học như nhiễm sắc
thể, bộ sinh dục trong và ngoài. Họ hoàn toàn hài lòng về "vẻ đẹp tự nhiên"
của họ, hoàn toàn hài lòng vì là đàn ông và muốn ăn mặc, cư xử như đàn ông
nếu như họ là đồng giới tính nam; tương tự nếu là đồng giới tính nữ, các cô
trông không khác gì một phụ nữ bình thường. Cái khác là, nếu là đồng giới
tính nam, họ chỉ thấy "xao xuyến" trước một người đàn ông đẹp trai, khỏe
mạnh, chứ không mảy may hồi hộp trước một cô gái cho dù là hoa hậu đi nữa.
Còn nếu là một cô đồng giới tính thì chẳng hề phản ứng dương tính (chớp chớp
mắt) hay âm tính (chau mày) trước mấy chàng "thả dê", họ dửng dưng với các
chàng nhưng lại bị cuốn hút bởi các cô.
Theo kinh nghiệm riêng,
một số "pêđê" tại Việt Nam khá sỗ sàng, "tấn công" bằng cả ánh mắt, lời nói
và hành động cho dù biết rõ "đối tượng" không phải là người đồng giới tính.
Trong khi tại Tây Aâu, các người đồng giới chỉ quan hệ giới tính với người
đồng giới như họ mà thôi.
Đứng về phương diện
truyền giống thì những người đồng giới tính do không sinh sản, nên không có
lợi cho duy trì nòi giống. Nhưng y học phương Tây hiện đại không cho họ là
"bệnh", là "mát" hay "loạn dâm", cho nên chẳng cần điều trị gì cả. Họ được
coi là bình thường như mọi người. Tại Amsterdam, thủ đô châu Aâu của những
người đồng giới tính, người ta đã xây dựng một tượng đài để tưởng niệm cho
những người đã và vẫn còn đang bị phân biệt đối xử do là đồng giới tính.
Chuyển giới tính (transsexualism). Thoạt nhìn thì
tưởng họ cũng là pêđê, là đồng giới tính, vì thấy một anh cũng đem lòng yêu
một anh khác, hay một cô chỉ chết mê chết mệt một cô khác. Thật ra, họ khác
cơ bản với người đồng giới tính. Người đồng giới tính hài lòng với hình hài
của mình và không muốn thay đổi, còn người chuyển giới tính thì chẳng hài
lòng với cơ thể của họ một tí nào hết. Nếu bên ngoài nhìn là nữ, thì họ chỉ
muốn mau mau cắt bỏ tuyến vú, cắt bỏ bộ sinh dục nữ và được mang bộ sinh dục
nam, họ cắt tóc ngắn, hút thuốc lá. cho có vẻ đàn ông vì họ tin họ là đàn
ông, và muốn được mọi người nhìn họ, cư xử với họ như là một người đàn ông,
kêu họ bằng "anh". Được như vậy là họ mãn nguyện rồi. Tương tự, nếu là người
chuyển giới tính nữ, bên ngoài họ là đàn ông, họ muốn được cắt bỏ bộ sinh
dục nam, muốn có bộ ngực phụ nữ thật lớn (quá lớn là đằng khác), ăn mặc, nói
năng nhỏ nhẹ như phụ nữ bởi vì chính họ biết họ thật sự là nữ.
Không ai rõ vì sao cơ thể
của người này có giới tính nữ (XX), nhưng bộ não của họ lại có giới tính
nam, hay cơ thể nam (XY) nhưng bộ não lại nữ. Đồng giới tính thì chỉ cần xã
hội chấp nhận là sống "phẻ" rồi, nhưng chuyển giới tính thì được xã hội chấp
nhận thôi vẫn chưa đủ hạnh phúc, còn phải tốn tiền mua thuốc, tốn tiền để
được mổ xẻ thay bộ sinh dục nữa.
Hai giới tính (bisexuality). Về cơ bản họ là
những người dị giới tính, bình thường. Họ có vợ con hay chồng con như mọi
người, nhưng thỉnh thoảng lại "đi đêm" với người đồng giới tính.
Không ai hiểu vì sao họ
lại có cái "thích" kỳ cục như vậy. Chắc có lẽ khó có bà vợ nào lại bảo ông
chồng hai giới tính của mình phạm tội phản bội, vì anh ấy đâu có đi lại với
người phụ nữ nào đâu, mà với một anh khác. Họ là như vậy, là người hai giới
tính cho tới chết, chẳng có thuốc gì để trị.
Lưỡng giới tính (hermaphroditism, intersex). Đây
không phải là những trường hợp nghe mơ hồ như chuyển giới tính, đồng giới
tính, hai giới tính, mà là những người có bệnh thật sự, cần được chữa trị.
Lưỡng giới tính có thể là thật (true hermaphroditism) hay giả
(pseudo-hermaphroditism).
Người lưỡng giới tính
thật mang cả hai bộ nhiễm sắc thể giới tính XX (dành cho nữ) và XY (dành cho
nam). Họ thường có bộ sinh dục ngoài không rõ ràng, dù có vẻ giống phái nam
nhiều hơn. Người lưỡng-giới-tính-giả-nam có bộ nhiễm sắc thể giới tính XY
của nam, nhưng do nội tiết tố (hormone) nam không phát huy tác dụng nên cơ
thể họ không phát triển theo hướng nữ giới hay bộ sinh dục ngoài nhìn không
rõ là nam hay nữ. Người lưỡng-giới-tính-giả-nữ có bộ nhiễm sắc thể nữ XX,
nhưng do nội tiết tố nam phát triển mạnh bất thường nên bộ sinh dục trông
giống cả nam lẫn nữ.
Không có một công thức
chung trong điều trị những người này. Tùy theo sự phát triển của cơ quan
sinh dục theo hướng nam nhiều hơn hay nữ nhiều hơn, tùy theo họ được nuôi
dưỡng như nam hay nữ, tùy theo bản thân họ nhìn nhận họ là nam hay nữ, tùy
theo mức độ khó-dễ của phẫu thuật mà từng trường hợp cụ thể sẽ được điều trị
để thành đàn ông hay đàn bà.
Đàn ông mang dị tật lỗ
tiểu đóng thấp (hypospadias). Họ có thể là người lưỡng-giới-tính-giả-nam,
hay là những người đàn ông hoàn toàn bình thường, chỉ phải "cái tội" là
dương vật không phát triển bình thường mà lại nhỏ bé và bị cong quặp xuống.
Về điều trị, cần phải mổ để kéo dương vật thẳng đứng lên lại là xong.
Ngoài ra, còn có lẻ tẻ
những người không thuộc nhóm nào ở trên, ví dụ một cô gái hoàn toàn hài lòng
mọi chuyện, nhưng chỉ "không ưa" bộ ngực nữ tính của mình, muốn được cắt bỏ
nó đi, để có được bộ ngực phẳng phiu của đàn ông.
Xác định giới tính đối
với đa số là chuyện hiển nhiên, nhưng với một số người lại là chuyện nan
giải. Có lẽ một ngày nào đó y học sẽ hiểu được vì sao lại có những "bất
thường" về giới tính ở một số người, từ đó có thể có biện pháp ngăn ngừa, để
ai sinh ra cũng chỉ là nam hoặc nữ. Trong lúc chờ đợi, một sự thông cảm của
xã hội có thể giúp những người đồng giới tính, chuyển giới tính có được một
cuộc sống nhẹ nhàng hơn.