Thấp còi chủ yếu do suy dinh dưỡng bào thai
Bé gái cần được nuôi dưỡng tốt để sau này làm mẹ. |
Các nghiên cứu gần đây đã đi đến kết luận, thấp còi là hậu quả của tình trạng dinh dưỡng kém trong giai đoạn bào thai và 2-5 năm đầu đời. Trẻ thấp còi trong tương lai sẽ khó đuổi kịp bạn bè cả về thể lực lẫn trí lực.
Thấp bé, nhẹ cân, còi cọc là hậu quả của dinh dưỡng kém. Trong đó, chiều cao thấp so với tuổi (còn gọi là suy dinh dưỡng mạn) là thể suy dinh dưỡng cực kỳ quan trọng. Ở Việt Nam, tình trạng này kéo dài qua nhiều thế hệ: người mẹ thấp bé, nhẹ cân dễ đẻ con suy dinh dưỡng, thấp còi. Hiện nay, cứ 3 đứa trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi.
Nguyên nhân chính của hiện trạng này là suy dinh dưỡng bào thai,
nghĩa là cân nặng, chiều dài của trẻ khi đẻ thấp hơn bình thường.
Tốc độ phát triển chiều dài của thai nhi đạt mức cao nhất trước tuần
thứ 15 của thai kỳ; còn cân nặng phát triển nhanh nhất vào tuần thứ
32 đến 34. Mọi can thiệp nhằm cải thiện "chiều dài" của bào thai
phải thực hiện càng sớm càng tốt. Ngay từ những tuần đầu mang thai,
người mẹ cần ăn đủ chất đạm, canxi và đặc biệt là iốt vì thiếu nó,
bào thai sẽ không phát triển được. Những chất quan trọng khác đối
với sự phát triển của trẻ trong bào thai và những năm đầu đời là
sắt, vitamin A, folat. Nếu mẹ không cung cấp đủ folat, trẻ sinh ra
có thể bị dị tật ống thần kinh. Trẻ sinh ra phải được chăm sóc tốt
những năm đầu đời.
Để cải thiện thể trạng cho các thế hệ sau,
cần tăng cường dinh dưỡng cho các bậc cha mẹ khi họ còn vị thành
niên, nhất là bà mẹ trong giai đoạn chuẩn bị và đang mang thai.
Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chương trình dinh dưỡng học
đường, gồm cung cấp bữa trưa cho học sinh (Chính phủ trợ cấp), chăm
sóc về y tế, tiêm chủng, vệ sinh và bổ sung vi chất, chẳng hạn như
bổ sung viên sắt cho học sinh nữ. Ở Việt Nam, những hoạt động này
mới chỉ được thí điểm.
TS Nguyễn Công Khẩn, Sức Khỏe & Đời Sống