Những thách thức về sức khỏe ở phụ nữ sau sinh
Dùng dụng cụ trợ sinh không đúng kỹ thuật có thể làm rách cổ tử cung và âm đạo. |
Phụ nữ mới sinh cần được quan tâm đặc biệt vì các biến chứng nghiêm trọng và đa số ca tử vong xảy ra trong thời điểm này. Có đến 88% trường hợp tử vong sản phụ xảy ra trong 4 giờ đầu sau sinh và đều là hậu quả của những sự cố trong giai đoạn sổ thai.
Chảy máu sau sinh: Là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho mẹ. Nguyên nhân gây chảy máu của đa số các trường hợp là đờ tử cung và sót rau. Ngoài ra cũng có thể do rách âm đạo, rách cổ tử cung, vỡ hoặc lộn tử cung. Những giờ đầu tiên sau sinh là khoảng thời gian rất quan trọng để chẩn đoán và quản lý tình trạng chảy máu bất thường. Nếu sau sinh một giờ mà bánh rau vẫn còn trong tử cung hoặc rõ ràng còn sót, cần thực hiện những biện pháp làm sổ rau hoặc dùng tay lấy nhau sót ra dù có chảy máu hay không. Cần đánh giá tình trạng của người mẹ về huyết áp, mạch, toàn trạng, khả năng tiểu tiện, đặc biệt là khi bàng quang quá căng nhưng không thể tự tiểu được.
Đôi khi chảy máu nhiều có thể xảy ra sau sinh vài ngày, thậm chí cả trong tuần lễ thứ hai sau sinh (chảy máu sau sinh thứ phát). Tình trạng này thường do sót rau không được phát hiện vào lúc sổ rau. Nếu không tìm thấy rau sót, đó là do tử cung thu hồi không tốt và liên quan đến nhiễm khuẩn. Bệnh nhân cần được truyền dịch theo đường tĩnh mạch và hoặc truyền máu nếu cần thiết; kiểm tra lại buồng tử cung bằng tay hoặc dụng cụ nạo.
Một biểu hiện đặc biệt của chảy máu là khối máu tụ ở âm hộ do cầm
máu không tốt khi khâu tầng sinh môn, khi sinh phải can thiệp bằng
fooc-xép hoặc giác hút. Một số trường hợp sinh thường cũng có thể bị
khối máu tụ, thường là do vỡ một mạch máu nhưng niêm mạc âm đạo lại
vẫn lành lặn. Khối máu tụ thường ở mô dưới da của môi lớn nhưng cũng
có thể ở cao hơn, làm nghẽn tắc đường âm đạo. Vì sự chảy máu diễn ra
hoàn toàn thầm lặng nên khối máu tụ có thể không bộc lộ rõ ngay sau
sinh. Sản phụ bị đau nhiều ở âm hộ hoặc vùng tầng sinh môn và có cảm
giác choáng váng. Cách điều trị là truyền dịch vào tĩnh mạch và/hoặc
truyền máu, can thiệp ngoại khoa.
Tiền sản giật và sản giật sau sinh: Đây là một trong
những thách thức lớn nhất về sức khỏe ở phụ nữ trong giai đoạn sau
sinh, là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây tử vong bà mẹ trên toàn
cầu. Phần lớn các trường hợp sản giật xảy ra trong những ngày đầu
sau sinh. Sản giật xảy ra 48 giờ sau sinh trước kia được coi là
hiếm; nhưng gần đây người ta thấy hơn 50% những ca sản giật sau sinh
nguyên phát đã xảy ra vào ngày thứ 3 hoặc lâu hơn.
Sau sinh, sản phụ cần được theo dõi kỹ huyết áp để kịp thời phát
hiện những triệu chứng báo hiệu tiền sản giật như huyết áp vượt quá
160/110 mmHg, tiểu ít dưới 500 ml/ngày, nhức đầu, mờ mắt, đau vùng
thượng vị... Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là nguy cơ sản giật có thể
không dự đoán được và không tương quan với các triệu chứng tiền sản
giật. Để dự phòng sản giật, bác sĩ có thể cho thuốc chống co giật
(chủ yếu là sun-phát ma-giê) cho các thai phụ cao huyết áp đang
trong giai đoạn chuyển dạ.
Bí
tiểu: Trong những ngày đầu sau sinh, sản phụ thường
bí tiểu làm cho bàng quang căng. Hiện tượng này do nhiều yếu tố gây
ra: Trong giai đoạn 2 của chuyển dạ, phần “trình diện” của thai nhi,
thường là đầu, đè vào niệu đạo và bàng quang, có thể gây phù nề. Các
chỗ rách và đau ở vùng bụng dưới sau sinh có thể làm giảm cảm giác
của bàng quang. Khi đã quá căng, cảm giác của bàng quang và chức
năng của cơ bức niệu (làm cho mót tiểu) bị suy giảm. Khám bụng sẽ
phát hiện thấy thân tử cung co, bị đẩy lên cao; khối bàng quang căng
và đau ở vùng bụng dưới.
Cách điều
trị là thông tiểu, đôi khi phải thông nhiều lần cho nên cần đặt một
ống thông tại chỗ. Những biện pháp phòng ngừa là theo dõi chặt chẽ
sự bài tiết nước tiểu trong lúc chuyển dạ và trong 8-12 giờ đầu sau
sinh. Nếu không đi tiểu được, sản phụ nên cố gắng tập đi tiểu như tự
đi vào nhà vệ sinh hoặc ít nhất là cố đi tiểu ở tư thế ngồi.
Tiểu không tự chủ: Đối nghịch với hiện tượng bí tiểu
là hiện tượng không giữ được nước tiểu. Nhiều phụ nữ có thể tiểu
không tự chủ do stress trong giai đoạn sau sinh, nhưng với trường
hợp không giữ được nước tiểu nghiêm trọng ngay ở những ngày đầu sau
sinh thì phải nghi ngờ bị rò bàng quang - âm đạo. Nguyên nhân là đầu
thai nhi chèn ép quá lâu vào bàng quang và niệu đạo, đặc biệt là khi
chuyển dạ kéo dài và bị cản trở. Rò bàng quang - âm đạo cũng có thể
do sang chấn trong cuộc sinh nở có can thiệp. Cách phòng ngừa là xử
trí kịp thời khi cuộc chuyển dạ kéo dài và bị cản trở. Trường hợp rò
bàng quang - âm đạo sau sinh cần được can thiệp ngoại khoa sau vài
tháng.
Nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (niệu quản,
bàng quang, đài bể thận) thường xảy ra trong giai đoạn sau sinh. Sản
phụ cần được điều trị đầy đủ bằng kháng sinh. Đo nhiệt độ cơ thể là
cách đơn giản để phát hiện bệnh.
Đau tầng sinh môn và âm hộ: Trong tuần đầu sau sinh, nhiều người bị đau ở vùng đáy chậu và âm hộ, đặc biệt là khi có chấn thương trong giai đoạn 2 chuyển dạ (rách cơ ở đáy chậu, cắt tầng sinh môn, rách ở môi lớn, môi nhỏ). Theo một nghiên cứu về xử lý vùng tầng sinh môn, hơn 20% phụ nữ vẫn bị đau trong 10 ngày sau sinh và sau 3 tháng thì 7,5% vẫn còn đau.
Việc chăm sóc tầng sinh môn bao gồm dùng thuốc giảm đau nhẹ, ví dụ như paracetamol. Đôi khi ngâm mông trong nước ấm cũng có tác dụng giảm đau. Nên thường xuyên theo dõi vùng này.
Viêm vú sau sinh: Trong giai đoạn đầu, nguyên nhân
chủ yếu gây viêm vú là tắc tia sữa ở một phần hay toàn bộ vú, hoặc
trẻ mút yếu, không cần dùng kháng sinh. Bà mẹ cần biết cách cho bú
đúng. Có thể chỉ định kháng sinh nếu tình trạng không được cải thiện
trong vòng 12-24 giờ hoặc nếu tình trạng ban đầu rất cấp tính.
Một số ít trường hợp tiến triển thành áp-xe vú, cách điều trị tốt
nhất là trích dẫn lưu. Việc cho con bú có thể tiếp tục nếu mẹ không
quá đau; nếu không vẫn có thể lấy được sữa bằng cách vắt. Nên cho
con bú trở lại càng sớm càng tốt.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)