Những thay đổi về sức khỏe ở phụ nữ sau sinh
Sau khi sinh con, phần lớn chị em đều thắc mắc về những biến đổi về thân hình, cảm giác và thể trạng. Một thực tế là việc sinh con không chỉ tác động sâu sắc đến đời sống mà còn làm thay đổi vĩnh viễn cơ thể bạn.
Vóc dáng
Cân nặng: tăng cân là chuyện khó tránh sau khi sinh con. Đối với phụ nữ một con, trọng lượng có thể tăng trung bình 2 kg so với khi chưa mang thai.
Hình dáng: Sau khi sinh con, vòng eo của người mẹ trở nên to hơn so với hông. Đó là do các bắp cơ bụng bị kéo giãn ra.
Cơ bụng: Sau sinh, các cơ bụng bị mềm và chảy nhão. Tập thể dục có thể giúp các cơ săn chắc trở lại. Tuy nhiên, một số trường hợp cố gắng tập nhưng vẫn không thay đổi. Việc lấy lại cơ bụng tùy thuộc vào xương chậu rộng hay hẹp, đứa trẻ to hay nhỏ, di truyền và sự may mắn.
Bộ ngực: Đây là bộ phận gây nhiều phiền muộn hơn cả. Cho dù có chọn lựa được chiếc áo nâng đỡ ngực tốt, bạn vẫn không thể làm gì để ngăn đôi gò to căng và chảy xệ. Việc cho con bú bình cũng không hiệu quả vì vú vẫn căng cứng lên như thường. Tuy nhiên, một khi các tuyến vú không còn tiết sữa, chúng sẽ nhỏ lại.
Vết rạn da: thai nghén thường để lại những vết nứt trên da, rõ nhất là ở bụng và ngực. Tình trạng tăng cân càng nhiều thì nguy cơ bị nứt da càng lớn. Tuy nhiên, đây cũng là hiện tượng do di truyền, nên ngay cả người chỉ tăng 10 kg cũng có thể bị nứt da.
Rụng tóc: kích thích tố nữ oestrogen gia tăng trong thai kỳ đã khiến cho các chân tóc luôn ở trạng thái nghỉ, chu kỳ mọc và rụng tóc bình bị gián đoạn. Khi lượng kích thích tố nữ trở lại như cũ, tất cả những sợi tóc bị giữ lại sẽ rụng cùng một lúc. Hiện tượng rụng tóc lên cao điểm khoảng 6 tháng sau sinh. Sau đó chu trình mọc tóc sẽ trở lại bình thường.
Cảm giác: Thai nghén và sinh đẻ là một kinh nghiệm thể chất đặc biệt nhất của người phụ nữ, do đó không có gì ngạc nhiên nếu cơ thể cần một thời gian để các tổ chức phục hồi.
Đau nhức cửa mình: Đường cắt âm hộ cùng với vết rách trên thành âm đạo và cổ tử cung sẽ gây khó chịu, đau nhức khi quan hệ vợ chồng. Kích thước và vị trí của vết cắt sẽ quyết định thời gian đau khi gần gũi. Có đến 20% phụ nữ bị đau khi quan hệ một năm sau khi sinh con. Ngoài ra, việc cho con bú làm kìm hãm hoạt động phát tiết oestrogen, khiến âm đạo bị khô, gây đau đớn. Hiện tượng này sẽ nhanh chóng mất đi trong vòng 6 tháng.
Trong trường hợp sinh mổ, phụ nữ sẽ cảm thấy mệt mỏi và đau nhức ở vết mổ ít nhất từ 3 đến 6 tuần. Cảm giác này cũng có thể kéo dài 1 năm hoặc hơn, và vết sẹo mổ vẫn còn trông thấy nhiều năm sau đó.
Đau bụng hành kinh: May mắn là sau khi sinh con, hiện tượng đau bụng kinh nguyệt sẽ biến mất. Nguyên nhân là thai nghén gây giãn tử cung, làm mất đi một số cảm thụ thể của chất prostaglandine - chất tiết ra lúc hành kinh và là yếu tố gây đau - do đó không còn gây đau nữa.
Ngoài ra, hiện tượng đau hành kinh còn do chứng bệnh lạc màng tử cung, khi mô nội mạc tử cung di chuyển đến các nơi khác, có thể là buồng trứng, vòi trứng hay trong lòng bụng. Trong suốt 9 tháng mang thai không có hành kinh, các mô này bị nhỏ lại và mất đi. Nếu sau khi sinh, chúng không mọc lại thì phụ nữ sẽ không còn đau nữa.
Tĩnh mạch trướng: Các hiện tượng như thay đổi kích thích tố, tăng lượng máu và tử cung đè vào các đường tĩnh mạch đưa máu về tim đã phối hợp với nhau làm đọng máu ở các tĩnh mạch vùng trực tràng, gây ra chứng tĩnh mạch trướng. Hiện tượng này sẽ mất đi một thời gian ngắn sau khi sinh con đầu lòng. Song trong các lần sinh sau, nhiều phần tĩnh mạch vẫn còn phồng.
Tiểu không kiểm soát: do các thương tích ở các cơ sản chậu lúc sinh con. Nước tiểu thường chảy ra khi ho, hắt hơi và cười to. Chứng này sẽ mất đi vài tuần sau khi sinh con, khi các cơ của ống thoát tiểu lấy lại tính cường. Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn tiếp tục bị chứng bệnh và tập thể dục có thể giúp phục hồi.
Sức khỏe tâm thần
Mất trí nhớ: Khả năng nhớ của bà mẹ mới sinh giảm so với trước khi có thai. Thực chất, hiện tượng này đã xảy ra từ lúc mang thai và càng lúc càng tăng cho đến sau khi sinh. Mệt nhọc không phải là lý do duy nhất gây ra tình trạng này. Người ta cho rằng chính sự thay đổi đáng kể của các hoóc môn đã ảnh hưởng tới não.
Âu sầu: Sự tác động của các kích thích tố lên não góp phần tạo ra chứng âu sầu. Ngoài ra còn có cảm giác mất mát khi sinh con không đúng theo mong ước của mình. Người phụ nữ có thể cảm thấy tội lỗi, nhất là khi gia đình không hòa thuận. Phần lớn phụ nữ sẽ trở lại bình thường sau 10 ngày sinh. Nếu chứng âu sầu kéo dài thì cần đi khám bác sĩ ngay.
Các vấn đề sức khỏe trong tương lai
Cao huyết áp: là một phần trong hội chứng nhiễm độc thai nghén và có thể kéo dài sau này.
Rối loạn tuyến giáp trạng: Khoảng 5-10% phụ nữ sẽ bị chứng rối loạn tuyến giáp, thường là suy tuyến giáp. Bệnh sẽ mất đi, nhưng khoảng 1/4 số người này sẽ bị tái phát.
Tiểu đường thai nghén: Tương tự như rối loạn tuyến giáp, hiện tượng tiểu đường này cũng có thể tái phát sau khi sinh.
Ung thư vú: Thông thường càng sinh nhiều con và càng có con sớm thì nguy cơ bị ung thư vú càng giảm. Cho con bú ít nhất là 2 năm (tổng cộng tất cả các lần sinh) cũng có thể làm giảm nguy cơ tới 30%.
Ung thư buồng trứng: Phụ nữ có ít nhất 2 con sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đến 40%.
Ung thư cổ tử cung: Bệnh này hoàn toàn ngược lại - càng nhiều con thì nguy cơ càng tăng. Cần làm thử nghiệm ngừa ung thư mỗi năm để sớm phát hiện bệnh và kịp thời chữa trị.
(Theo Sổ Tay Nội Trợ)