MỌC LÔNG NHIỀU, NỖI LO CHÍNH ĐÁNG CỦA PHỤ NỮ!
BS. ĐÀO XUÂN DŨNG
Mọc lông nhiều ở
vùng sinh dục và ởø nhiều vùng khác trên cơ thể là nguyên nhân làm cho nhiều
phụ nữ lo lắng. Họ bị mặc cảm về sự khác thường của mình và nhiều người còn
sợ bị phát hiện khi lấy chồng, từ đó thiếu tự tin và khó chan hòa với xã
hội.
Nguyên nhân
Mọc lông nhiều là hậu quả
của sự bài tiết quá mức androgen, mặc dù tăng nhạy cảm với androgen của lỗ
chân lông đôi khi có thể là nguyên nhân. Nguồn gốc gây tăng androgen có thể
là buồng trứng, tuyến thượng thận hoặc cả hai, với nhiều biểu hiện bệnh phức
tạp. Thứ ba là một số thuốc có hormone nam như methyltestorterone, danazol
và các steroid có tác dụng đồng hóa như oxandrolone, cũng có thể gây mọc
lông nhiều (19-nortestosterone có trong viên tránh thai, uống ít khi gây mọc
lông nhiều hoặc gây mụn trứng cá). Loại mọc lông nhiều không rõ nguyên nhân
nghĩa là không có rối loạn chức năng ở buồng trứng hoặc tuyến thượng thận;
và không do một nguồn gốc hormone ngoại lai nào gây ra, nhưng chuyển hóa
androgen ngoại biên lại tăng ở da và lỗ chân lông là nguyên nhân thứ tư.
Cuối cùng, tuy rất hiếm gặp nhưng cũng cần nghĩ đến là những bệnh: thiểu
năng tuyến giáp trạng hoặc to đầu các xương chi (acromegaly) có thể kèm theo
mọc lông nhiều; vô sinh có thể do tăng hormone nam androgen và do đó cũng
gây mọc lông nhiều.
Vai trò của hormone nam
(androgen)
Hormone nam kích thích sự
phát triển các đặc tính giới thứ phát, thúc đẩy sự phát triển lông. Những
hormone nam chủ yếu là dihydrotestosterone, testosterone, DHEA, DHEAS và
androstenedione. Ơû những phụ nữ không có thai, hormone nam do buồng trứng
và tuyến thượng thận bài tiết ra, nhưng cũng còn do cả sự chuyển hóa ở ngoại
biên mà hình thành nữa. Để hiểu về vai trò của hormone nam khi tăng cao đến
sự phát triển lông, cần biết hormone nam đó có nguồn gốc từ đâu, những con
đường chuyển hóa, vị trí tác dụng và những tác động qua lại của nó với các
hormone khác như progestin, corticosteroid và oestrogen. Ví dụ như androgen
do buồng trứng bài tiết ra là tiền chất để tổng hợp thành oestrogen nhưng
quá trình này bị ảnh hưởng do nồng độ LH tăng cao (LH là hormone của tuyến
yên, kích thích nang noãn của buồng trứng bài tiết androstenedion và
testosterone), làm cho những hormone nam nói trên không chuyển hóa thành
estrogen được (oestrone và estradiol). Do đó, nồng độ của chúng tăng cao.
Những chu kỳ kinh không rụng trứng thường thấy nồng độ androgen tăng cao. Và
đó là nguyên nhân dẫn đến mọc lông nhiều, rối loạn chảy máu tử cung hoặc vô
sinh.
Sinh lý của sự mọc lông
tóc
Lỗ chân lông và tuyến bã
của nó rất nhạy cảm với hormone giới tính, đặc biệt là hormone nam.
Testosterone và dihydrotestosterone có thể kích thích phát triển và làm tăng
đường kính cũng như sắc tố của lông tóc. Ngược lại, oestrogen lại làm chậm
quá trình phát triển của lông, làm cho lông tóc nhỏ và ít sắc tố hơn. Sự
phát triển lông tóc còn do những yếu tố di truyền. Mặc dầu nam và nữ khi
sinh ra đều có số lượng lỗ chân lông bằng nhau nhưng mỗi chủng tộc và dân
tộc lại có sự khác nhau. Người da trắng có số lượng lỗ chân lông lớn hơn
người da đen; và người da đen lại lớn hơn người da vàng.
Lông tóc phát triển theo
chu kỳ 3 giai đoạn: giai đoạn phát triển (anagen), giai đoạn quăn lại
(catagen), và giai đoạn không phát triển nữa (telogen). Chiều dài của lông
tóc phụ thuộc vào giai đoạn đầu và cuối và vào vị trí trên cơ thể (giai đoạn
quăn lại chỉ rất ngắn). Ví dụ tóc có thời gian phát triển từ 2-6 năm nhưng
thời gian ngừng phát triển lại ngắn. Trong khi đó, lông mày, lông mi lại có
thời gian ngừng phát triển dài và thời gian phát triển ngắn. Các lỗ chân
lông đã bắt đầu có từ 2 tháng đầu của bào thai, đến khi đứa trẻ sinh ra đã
có đủ số lượng lỗ chân lông, tóc phải có. Lông tóc lúc đầu mềm mại, ngắn và
ít sắc tố. Đến tuổi dậy thì, lượng hormone nam do buồng trứng và tuyến
thượng thận tăng lên đã biến lông tóc mềm mại thành lông tóc trưởng thành,
cứng, dài và nhiều sắc tố hơn. Da và các lỗ chân lông tiếp nhận và chuyển
hóa hormon nam: DHEA, androstenedione hoặc testosterone đi tới các tế bào
đích và chuyển hóa thành dihydrotestosterone dưới tác dụng của men 5 alpha
reductaza và chính hormone này thông qua một cơ chế thông tin di truyền đã
tạo ra bản sao của nó và làm phát triển lông. Ở những phụ nữ mọc lông nhiều,
sự chuyển hóa thành dihydrotestosterone hình như mạnh hơn, nên đã làm cho
lông tơ biến thành lông trưởng thành ở những vùng da nhạy cảm với hormone
nam.
Hiện tượng mọc lông nhiều
ở khu vực cơ quan sinh sản nữ giới do tăng androgen cần được phân biệt với
những biểu hiện nam tính hóa và với hiện tượng cũng mọc lông nhiều nhưng
ngoài khu vực cơ quan sinh dục, nghĩa là mọc lông nhiều ở trán, cẳng chân và
cẳng tay. Với biểu hiện nam tính hóa thì không chỉ có hiện tượng mọc lông
nhiều mà còn có nhiều biểu hiện khác như nhiều trứng cá, da nhờn, hói cùng
thái dương, âm vật to, giọng nói trầm, cơ bắp phát triển kiểu nam và vú teo.
Với biểu hiện mọc lông nhiều thông thường thì sự khác biệt là lông mọc nhiều
ở ngoài vùng sinh dục như trên đã nói, lông thường mềm mại hơn, không do
tăng hormone nam hoặc bất thường về chuyển hóa androgen, có tính chất di
truyền và nhiều khi do ảnh hưởng của một số thuốc, một số bệnh.
Điều trị
Việc lựa chọn phương pháp
điều trị cho chứng mọc lông nhiều do tăng hormone nam phụ thuộc vào kết quả
khám thể chất và xét nghiệm cũng như vào cả nguyện vọng của bệnh nhân muốn
có con hay không nữa. Sau khi đã loại trừ những bệnh nguy hiểm như có u ác
tính hoặc một bệnh nghiêm trọng nào đó, người phụ nữ nào chỉ bị mọc lông ít
và vẫn có kinh nguyệt bình thường thì vẫn có thể chung sống với nó, không
cần điều trị gì đặc biệt. Chỉ những phụ nữ bị mọc lông khá nhiều hoặc rất
nhiều mới cần điều trị. Với những phụ nữ không muốn sinh con nữa thì nên
loại bỏ hoạt động của buồng trứng hoặc tuyến thượng thận, hoặc ngừng hãm tác
dụng của các hormone nam ngoại biên. Với những phụ nữ còn chưa sinh thì kích
thích rụng trứng bằng những thuốc thích hợp có thể cần thực hiện sau khi đã
cân nhắc kỹ. Nguyên nhân gây mọc lông nhiều nếu đã xác định thì cần loại bỏ,
ví dụ khối u buồng trứng hoặc u tuyến thượng thận...
Điều trị nội khoa chứng
mọc lông nhiều không đem lại kết quả hoàn toàn, tỷ lệ đáp ứng với điều trị
dao động từ 23% đến 95%, phụ thuộc vào loại thuốc và liều lượng sử dụng.
Những thuốc được sử dụng nhiều nhất để điều trị mọc lông nhiều là viên thuốc
tránh thai, spironolactone, thuốc tương tự như kích dục tố tuyến yên (GnRH
analogs), medroxyprogesterone acetate và corticosteroids (ví dụ
dexamethasone).
Mọi loại thuốc điều trị
cần làm thay đổi một trong 5 mặt chính của chuyển hóa androgen như sau:
1. Giảm bài tiết androgen
2. Tỷ lệ chuyển hóa
androgen tăng lên
3. Bộ phận cảm thụ với
androgen có nhiều khả năng bị ức chế
4. Các enzyme liên quan
đến sự bài tiết testosterone ngoại biên hoặc việc chuyển hóa testosterone
thành dihydrotestosterone có nhiều khả năng bị ức chế hoặc bị ngừng hãm.
5. Số lượng các globulin
gắn với hormone giới tính tăng lên (sex hormone - binding globulin - SHBG).
Các phương pháp bổ trợ
khác như cạo, nhổ, làm rụng lông, làm bạc màu lông, bôi sáp có nhiều hạn
chế. Cạo và nhổ lông có thể gây những khuẩn và để lại sẹo cho nên không làm.
Làm mất lông vĩnh viễn chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp điện ly (điện
đông gốc lông) hoặc bôi thuốc làm rụng lông. Tuy phương pháp điện động tốn
kém và không dễ chịu, nhưng 2 phương pháp này phối hợp với điều trị nội khoa
vẫn có thể đem lại kết quả tốt nhất.
Tóm lại, điều trị mọc lông
nhiều cần xem xét trường hợp cụ thể và cần khám xét kỹ về nhiều mặt. Kết quả
điều trị không làm cho thầy thuốc và cả bệnh nhân hài lòng do chính những
đặc tính sinh lý của lông. Chu kỳ phát triển của lông dài, dao động từ 6
tháng đến 24 tháng. Và sự chuyển từ lông tơ sang lông trưởng thành là quá
trình không phục hồi. Lông mọc nhiều do sự kích thích của nồng độ cao
androgen, nhưng để duy trì tốc độ phát triển đó thì chỉ cần nồng độ thấp.
Bệnh nhân cũng cần hiểu rằng đáp ứng với điều trị không thể nhìn thấy trước
6-12 tháng và dù có ngăn cản được lông tơ không chuyển thành lông trưởng
thành, nhưng khó có thể nhận thấy sự thay đổi đó.