Trị sỏi mật và viêm đường mật bằng Đông y
Các bài thuốc y học cổ truyền có hiệu quả rõ rệt nhất với các trường hợp viêm túi mật và sỏi mật thông thường (khí trệ) hoặc có vàng da, sốt (thấp nhiệt). Đông y cũng có tác dụng ngăn ngừa tái phát sau khi phẫu thuật lấy sỏi.
Sỏi mật, viêm đường dẫn mật là bệnh mạn tính, hay tái phát với các triệu chứng chủ yếu là: đau vùng hạ sườn phải, sốt, vàng da. Trên lâm sàng, bệnh được chia làm 4 thể:
- Thể khí trệ hay khí uất tương ứng với chứng viêm túi mật và sỏi mật đơn thuần.
- Thể thấp nhiệt tương ứng với chứng viêm và sỏi mật có sốt cao, vàng da nhiều.
- Thể thực hỏa tương ứng với chứng viêm túi mật hóa mủ, nhiễm trùng, nhiễm độc.
- Thể chính hư tà hãm tương ứng với chứng nhiễm độc do viêm phúc mạc
tràn mật.
Phương pháp điều trị viêm đường mật và sỏi mật bằng
Đông y khá phong phú; nhưng chúng hầu như và chỉ thích hợp với thể
khí trệ và thấp nhiệt. Ngoài ra, sau khi phẫu thuật điều trị sỏi
đường mật, có thể dùng thuốc Đông y để phòng bệnh tái phát.
Thể khí trệ
Triệu chứng: Vùng hạ sườn phải đau tức âm ỉ hay đau nhiều, có lúc không đau, miệng đắng, họng khô, không muốn ăn uống, không sốt cao, có hoặc không có vàng da, mạch nhanh trên 90 lần/phút.
Bài thuốc: Kim tiền thảo, nhân trần mỗi thứ 40 g, uất kim, chỉ
xác mỗi thứ 8 g, sài hồ, xa tiền tử mỗi thứ 16 g, khổ luyện tử 6 g,
chi tử 12 g, đại hoàng 4 g. Sắc uống ngày 1 thang hoặc đun thay nước
uống hằng ngày lâu dài. Nếu đại tiện phân lỏng, có thể giảm hoặc bỏ
hẳn vị đại hoàng.
Thể thấp
nhiệt
Triệu chứng: Vùng hạ sườn phải đau tức, miệng đắng họng khô, lợm giọng, buồn nôn, sốt sợ lạnh hay lúc sốt lúc rét, niêm mạc mắt vàng, da vàng, nước tiểu đỏ hay vàng, táo bón, lưỡi bẩn, rêu lưỡi vàng dày.
Bài thuốc: Long đởm thảo, hoàng cầm, sơn chi tử mỗi thứ 12 g; sài hồ 16 g, cam thảo, đại hoàng mỗi thứ 4 g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng trong giai đoạn bệnh cấp, có sốt 5 đến 10 thang. Giai đoạn ổn định có thể quay lại dùng bài trên.
Cách gia giảm như sau: Nếu cảm giác bụng đầy, thêm mộc hương, hương phụ; uất kim mỗi thứ 8 g; sốt và vàng da nhiều, thêm hoàng liên, hoàng bá mỗi thứ 12 g; bồ công anh 40 g; nếu đau nhiều thêm diên hồ sách 12 g và mộc hương 4 g; nếu nôn mửa, lợm giọng, thêm trần bì, bán hạ mỗi thứ 8 g; táo bón thêm mang tiêu 20 g.
Lưu ý: Không dùng phương pháp y học cổ truyền đơn thuần trong các trường hợp có nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Người bệnh cần được thầy thuốc theo dõi để kịp thời can thiệp bằng y học hiện đại như: phẫu thuật, chống nhiễm trùng, nhiễm độc...
TS Lê Lương Đống, Sức Khỏe & Đời Sống