Trở thành thiên tài nhờ bệnh gút
![]() |
Nhà bác học Charles Darwin. |
Theo một giả thuyết được nhà khoa học Nga Vladimir E. Froismon đưa ra đầu thế kỷ 20, thiên tài thường mắc một bệnh đặc biệt nào đó và tác động của bệnh khiến họ có khả năng phi thường. Một trong các căn bệnh có thể "sinh ra" thiên tài là bệnh gút (một loại viêm khớp).
Vladimir E. Froismon đã bỏ công sức lập một danh sách những thiên tài bị ảnh hưởng của bệnh gút, trong đó có những tên tuổi lớn như Isaac Newton, Charles Darwin, Cristophe Columbus, Galileo Galileo, Fracis Bacon, Desiderius, Erasmus, Thomas More, Leibniz, Rudolf Diesel, Boyle...
Hiện tượng khó hiểu trên được các nhà khoa học Nga giải thích như sau: Ở bệnh nhân gút, nồng độ axit uric trong cơ thể tăng quá cao, tạo thành các tinh thể lắng đọng tại khớp, gây ra những cơn đau dữ dội. Nhưng chính axit này lại là tác nhân kích thích bộ óc làm việc mạnh mẽ. Thành phần của nó cũng tương tự như thành phần của caffeine và theobromines, những chất kích thích có trong cà phê và chè.
Hiện tượng nhiều axit uric trong máu không chỉ làm tăng khả năng nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên (toán học, vật lý, hóa học và thiên văn học) mà còn thúc đẩy sự phát triển tài năng của các nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội. Danh sách những người chịu ảnh hưởng của bệnh gút có cả các danh họa Michelangelo, Rembrant, thiên tài âm nhạc Beethoven và nhà chính trị Đức khét tiếng Otto Bismarck.
Ngoài bệnh gút, Hội chứng bàn tay vượn (marfan) cũng được coi là có liên quan đến sự xuất hiện của các thiên tài.
Thế Giới Mới