GHÉP MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI TỐC ÐỘ QUÁ CHẬM, NHƯNG.
Tác giả : T.TRUNG
DÙ MUỘN CÒN HƠN KHÔNG
Mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, tổ chức tại TPHCM, Giáo sư Nguyễn Ðình Hối (hiệu trưởng Trường ÐHYD TPHCM) nêu rõ: Hôm nay chúng ta bàn việc này theo tôi là quá muộn, nhưng Việt Nam chúng ta có câu ngạn ngữ: "Dù muộn còn hơn không", lý do là vì chúng ta chưa có văn bản pháp lý nào cho phép hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người. So với các nước trong vùng chứ chưa nói tới các nước tiên tiến, chúng ta cũng còn quá chậm. Tôi lấy ví dụ, cách đây vài tuần tại Malaysia có một Hội nghị về ghép thận, Việt Nam không có tên, trong khi đó Ấn Ðộ đã tiến hành được 16.000 ca. Ghép thận tại BV. Chợ Rẫy mới đáp ứng được 1/10 nhu cầu. Ðến nay chúng ta chỉ có 5 bệnh viện ghép được đó là BV. 103, Việt Ðức, TW Huế, Chợ Rẫy và Nhân dân Gia Ðịnh với 107 người được ghép.
Về vấn đề ghép gan, GS cho rằng chúng ta tiến quá chậm. Cách đây gần 40 năm, trường ÐH. Y HN đã cử 7 người đi học nước ngoài về ghép gan, nhưng về nước không làm được việc, không phải vấn đề kiến thức mà chủ yếu là chưa có hành lang pháp lý. Về mắt, ghép giác mạc thực hiện không được bao nhiêu.
Ðánh giá về khả năng chuyên môn, GS cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm được, từ khâu chẩn đoán, kỹ thuật mổ, ghép gan, thận, tụy.
Sự chậm trễ này một lần nữa được BS. Phạm Huy Thìn (Phó Vụ Trưởng Vụ điều trị) nêu ra: Mặc dù chúng ta tiến hành ghép được thận, tủy, giác mạc, da... và từ năm 1992 đã có đơn vị ghép được thận, song tốc độ quá chậm vì chưa có chiến lược kỹ thuật về ghép tạng, chưa có ngân hàng mô tạng, nguồn ghép từ người sống còn hạn chế.
CÓ LUẬT, NHIỀU NGƯỜI SẼ ÐƯỢC CỨU SỐNG
Theo số liệu, mỗi ngày tại BV. Việt - Ðức có 5 trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông, nếu có luật hiến tạng có thể sẽ cứu sống được 10 người bệnh khác. Việc Pháp lệnh sớm ra đời sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân, tuy nhiên hành lang pháp lý chưa đầy đủ, ngân hàng mô chưa có... đang là rào cản lớn khiến cho ngành ghép tạng của ta chậm phát triển.
Một điểm trong dự thảo được rất nhiều nhà khoa học cũng như các bác sĩ quan tâm sau hai lần hội thảo tổ chức tại TPHCM và HN, đó là quy định được lấy mô trên cơ thể người chết não. Dự thảo cho biết: Việc giải phẫu lấy mô, bộ phận cơ thể ở người chết chỉ được tiến hành sau khi xác định là chết não và có một trong số các điều kiện, như có đơn tự nguyện hiến hoặc di chúc bằng văn bản để lại về việc hiến mô, bộ phận hoặc thi thể và được sự đồng ý của bố mẹ đẻ, vợ hoặc chồng. Có di chúc miệng được hai người làm chứng xác nhận và được bố mẹ đẻ hoặc vợ, chồng, con người đó xác nhận bằng văn bản... Chết não là chết thực sự nếu đáp ứng các điều kiện là đủ tiêu chuẩn chết não, đủ thời gian theo dõi, được hội đồng chuyên môn xác định chết não trực tiếp khám và kết luận. Giới thiệu nội dung dự thảo, BS. Trịnh Thị Lê Trâm (Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế) cho biết: Pháp lệnh này điều chỉnh các quan hệ nảy sinh trong quá trình hiến, lấy, ghép, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người; Bảo quản thi thể và khám nghiệm tử thi.
Dự thảo cũng quy định việc hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người phải đảm bảo các nguyên tắc như có sự tự nguyện đối với người hiến, người được ghép mô, bộ phận cơ thể hoặc được sự đồng ý của người đại diện, người giám hộ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó mọi người từ 18 tuổi trở lên đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống hoặc sau khi chết nếu đảm bảo các điều kiện như không mắc các bệnh truyền nhiễm và di truyền, không mắc bệnh tâm thần, đủ sức khỏe và có đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể. Pháp lệnh cũng nghiêm cấm các hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Cưỡng ép người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể hoặc các hoạt động lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người nhằm mục đích cá nhân vụ lợi.