Rò hậu môn - căn bệnh khó nói
Căn bệnh này nếu không được xử trí sớm và đúng cách sẽ dẫn đến rò dịch mủ kéo dài hoặc biến chứng tiêu són, đi ngoài mất tự chủ... Vì vậy, người bệnh không nên ngại ngùng giấu kín hoặc điều trị ở những địa chỉ không đáng tin.
Xuất phát của bệnh rò hậu môn là một ổ nhiễm khuẩn các tuyến ở hốc hậu môn, dẫn tới tụ mủ ở thành hậu môn dưới niêm mạc và khoang giữa các cơ thắt. Ổ mủ vỡ vào bên trong quanh ống hậu môn, làm thành áp xe, hoặc chảy ra ngoài da quanh lỗ hậu môn, dần tạo thành đường rò cạnh hậu môn. Khi thành rò, bệnh tái đi tái lại nhiều đợt. Người bệnh nếu ngại không đi khám có thể dẫn đến biến chứng áp xe hố ngồi trực tràng, hoặc các loại rò phức tạp như rò hình móng ngựa, rò liên cơ thắt... khó điều trị và phải điều trị kéo dài.
Nguyên nhân gây bệnh là các vi khuẩn của đường ống tiêu hóa mà chủ yếu là E.coli, chiếm trên 90% các vi khuẩn phân lập được từ xét nghiệm mủ đường rò.
Ở giai đoạn cấp tính, sự hình thành áp xe thường khiến bệnh nhân đau nhức liên tục, có thể kèm theo các rối loạn về tiết niệu, tiêu hóa, sốt... nên họ phải đến viện khám và được xử trí cấp cứu. Còn ở giai đoạn rò, ít khi bệnh nhân đến viện sớm do tâm lý ngại đi khám, nhất là phụ nữ.
Biểu hiện của bệnh giai đoạn rò là có những đợt chảy dịch, mủ ở cạnh lỗ hậu môn. Lỗ rò có thể khô một thời gian, sau đó lại vỡ và chảy dịch. Khám có thể thấy lỗ rò đang chảy dịch, mủ ở vùng da lành hoặc chỗ vùng da đã có sẹo chích rạch áp xe trước đó. Có thể thấy một hoặc nhiều lỗ rò. Trường hợp có trên hai lỗ rò nằm ở hai bên tương đối cân xứng được gọi là rò móng ngựa. Thăm trực tràng có thể thấy đường rò xơ cứng.
Cách duy nhất điều trị bệnh là phẫu thuật. Bác sĩ phải khám kỹ để quyết định phương pháp mổ, bảo đảm giữ an toàn cho hệ thống cơ thắt và cấu trúc toàn vẹn của hậu môn. Nếu không, bệnh nhân sẽ bị mất tự chủ khi đại tiện sau phẫu thuật.
BS. Nguyễn Đức Chính, Sức Khỏe & Đời Sống