NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VIÊM GAN SIÊU VI
BS. Nguyễn Hữu Chí
1. Viêm gan siêu vi là gì?
Viêm gan siêu vi (VGSV) là những bệnh nhiễm trùng làm tổn thương gan do nhiều loại siêu vi khác nhau gây ra.
Từ định nghĩa này chúng ta cần phân biệt VGSV với nhiễm siêu vi không triệu chứng, không có bất thường về chức năng gan, nhưng người ta vẫn có thể tìm thấy siêu vi trong cơ thể người bị nhiễm.
2. Có bao nhiêu loại VGSV và lây nhiễm ra sao?
Siêu vi là sinh vật nhỏ bé nhất trong thiên nhiên, nhỏ hơn vi trùng hàng ngàn lần. Nó có thể gây bệnh cho thực vật, sinh vật và cả cho người. Riêng trong lĩnh vực viêm gan, y học phát hiện ra hai nhóm siêu vi gây bệnh cho người.
Nhóm gây bệnh qua đường tiêu hóa: gồm hai loại siêu vi, siêu vi A và siêu vi E . Lây lan do ăn hoặc uống phải thức ăn và nước uống không đảm bảo vệ sinh, có thể lây lan thành dịch.
Nhóm lây nhiễm qua đường máu dịch tiết: gồm các loại siêu vi B, C, D và G. Lây lan qua:
- Đường máu: cụ thể qua truyền máu và các phẩm vật của máu (huyết tương, hồng cầu lắng, tiểu cầu đậm đặc, máu toàn phàn, các yếu tố đông máu,...), qua các vật dụng bén nhọn có dính máu và dịch tiết (dùng chung kim tiêm, ống tiêm, xâm mình, xỏ lổ tai, châm cứu, cắt lể,... không bảo đảm vô trùng).
- Quan hệ tình dục.
- Mẹ nhiễm truyền sang con khi mang thai.
3.Tình hình VGSV tại Việt Nam của chúng ta ra sao?
Qua nhiều nghiên cứu tiến hành tại Việt Nam, chúng ta đã tìm được tất cả các loại siêu vi gây viêm gan kể trên. Viêm gan A và E thường gây bệnh cho trẻ em dưới 5 tuổi, diễn tiến nhẹ, lành tính, không biến chứng, có thể lan rộng thành dịch. Đặc biệt phụ nữ mang thai mắc phải viêm gan siêu vi E, nguy cơ tử vong có thể lên đến 20%. Quan trọng nhất là viêm gan B với khoảng 15% dân số Việt Nam đang mang mầm bệnh, lây lan chủ yếu là từ mẹ sang con, kế đến là quan hệ tình dục và đường máu. Sau viêm gan B là viêm gan C (tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng vào khoảng 1 - 2%), nhưng điều cần lưu ý là viêm gan B và C có thể làm bệnh kéo dài trong nhiều năm, liên quan khá mật thiết với xơ gan và ung thư gan. Về cấu tạo siêu vi D có cùng một loại kháng nguyên với siêu vi B nhưng hiện nay tỷ lệ viêm gan D ở vùng Đông Nam Á rất thấp. Viêm gan loại G có đường lây tương tự như viêm gan B, C, được tìm thấy ở người cho máu tại TP. HCM nhưng chưa báo cáo nào về siêu vi G gây viêm gan, xơ gan, ung thư gan trên người Việt Nam.
4. Bệnh VGSV có triệu chứng như thế nào?
Mặc dù VGSV do nhiều loại siêu vi gây nên và lây nhiễm theo nhiều đường khác nhau nhưng triệu chứng của chúng lại giống nhau. Hơn 90% các trường hợp nhiễm phải siêu vi nhưng không có triệu chứng gì rõ rệt, không đầy 10% người nhiễm có các dấu hiệu ban đầu chính sau đây: mệt mỏi, uể oải, chán ăn, nôn ói, đau bụng,... Các triệu chứng này kéo dài từ vài ngày đến độ một tuần thì chuyển sang giai đoạn tiểu vàng đậm, vàng mắt, gan to và đau, tình trạng vàng da, vàng mắt kéo dài độ 2 đến 8 tuần thì bệnh nhân khỏe dần, ăn ngon miệng hơn và từ từ khỏi bệnh.
Đa số các trường hợp VGSV có biểu hiện cấp tính thường phục hồi hoàn toàn chỉ có khoảng 1% trường hợp bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng và nặng nề, dẫn đến tử vong. Đối với viêm gan B, C, D và G có khoảng 90% người bệnh phục hồi hoàn toàn, chỉ có 10% là bệnh có thể kéo dài trong nhiều năm, sau đó đi dần đến xơ gan và ung thư gan.
5. Bệnh VGSV có biến chứng nguy hiểm gì?
Thông thường bệnh VGSV có diễn tiến tốt, nghĩa là sau thời gian khoảng 4 tuần, bệnh nhân có cảm giác khỏe hơn, bớt vàng mắt - vàng da, ăn uống ngon miệng hơn, xét nghiệm chức năng gan trở về bình thường và từ từ khỏi bệnh. Trong thời gian cấp tính này một số ít trường hợp (khoảng không tới 1%) diễn tiến nặng (viêm gan tối cấp) với xuất huyết nhiều nơi, rối loạn tri giác và đi dần vào tử vong.
Viêm gan A và E không diễn tiến thành mãn tính và không liên quan đến xơ gan, ung thư gan. Các loại viêm gan còn lại được khẳng định có liên quan đến xơ gan và ung thư gan. Ở Việt Nam quan trọng nhất là viêm gan B, rồi sau đó là viêm gan C. Ước tính có khoảng phân nửa bệnh nhân nhập viện vì vàng da - vàng mắt là do siêu vi B, khoảng một phần ba xơ gan là do siêu vi B. Liên quan giữa siêu vi B và ung thư gan lại càng mật thiết hơn: hơn 80% bệnh nhân ung thư gan có siêu vi B trong máu!
6. Khi nghi ngờ mắc bệnh VGSV chúng ta phải làm sao?
Tốt nhất là nên đi khám bệnh ở một bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cụ thể. Nên tuân thủ ý kiến thầy thuốc, tránh thái độ thờ ơ cho rằng đây là bệnh nhẹ, không cần điều trị và không cần theo dõi, đồng thời đừng nên lo lắng thái qúa, chữa chạy lung tung hoang phí tiền một cách vô ích. Thông thường, về mặt nguyên tắc, thầy thuốc phải xác định chẩn đoán, đánh giá độ nặng nhẹ, theo dõi định kỳ, thay đổi các biện pháp điều trị sao cho phù hợp với bệnh trạng. Trong giai đoạn cấp tính, bệnh nhân không nên lao động gắng sức, không dùng thuốc bừa bãi, không kiêng cữ thức ăn thái quá,... Nên chọn khẩu phần nhiều thịt, cá, bột, đường và ít mỡ.
7. Nếu một phụ nữ mang thai bị nhiễm siêu vi B thì phải xử trí ra sao?
Ở Việt Nam, vào khoảng 12% thai phụ bị nhiễm siêu vi B nên nguy cơ lây nhiễm cho con cao. Nếu phụ nữ này là người lành mang mầm bệnh siêu vi B, nguy cơ quan trọng nhất là lây nhiễm cho con, kế đến là lây nhiễm cho nhân viên y tế lúc đỡ đẻ cho sản phụ. Trường hợp này không cần phải xử trí gì đặc biệt. Nếu thai phụ bị VGSV B cấp tính, nguyên tắc điều trị và theo dõi không khác gì với phụ nữ không mang thai. Đáng ngại nhất là thai phụ bị VGSV B tối cấp, nguy cơ tử vong cho cả mẹ lẫn con! Tất cả những trường hợp này đều phải được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Hiện nay người ta chưa kết luận được mối liên quan giữa thai kỳ và nhiễm viêm gan siêu vi B. Nhiễm siêu vi B không gây bất thường cho thai kỳ và người ta không biết rõ thai kỳ có làm cho nhiễm siêu vi nặng hơn không.
8. Hiện nay có thuốc nào đặc trị VGSV không?
Hiện nay hầu hết các thầy thuốc trên thế giới đều thống nhất: đối với bệnh nhân VGSV trong giai đoạn cấp không cần phải điều trị đặc hiệu chống siêu vi, chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, điều trị triệu chứng, điều trị nâng đỡ giúp bệnh nhân mau bình phục.
Đối với những loại VGSV có diễn tiến mãn tính (siêu vi B, C, D, G) đã có thuốc điều trị đặc hiệu để hạn chế biến chứng, tăng tuổi thọ và đồng thời tăng chất lượng cuộc sống người bệnh. VGSV B mãn tính có thể điều trị bằng Interferon, Lamivudine. VGSV C mãn tính thường điều trị bằng phối hợp Interferon và Ribavirine. Thời gian điều trị trung bình khoảng 6 - 12 tháng hoặc lâu hơn nữa nhưng kết quả điều trị chỉ đạt hiệu quả ở khoảng 50% số bệnh nhân. Cần lưu ý là việc sử dụng các thuốc điều trị trên cần phải có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Một câu hỏi rất được nhiều người đề cập đến là các loại thảo dược như Diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa), Artichaut, Râu mèo, Ngũ vị tử, Linh chi, Mật gấu,... có hiệu quả như thế nào trong điều trị VGSV. Đây là những vị thuốc đã được áp dụng từ lâu trong dân gian, tuy nhiên muốn nói đến giá trị khoa học đích thực cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa mới để chứng minh hiệu quả một cách chắc chắn hơn.
9. VGSV có phòng ngừa được không?
VGSV có nhiều nguyên nhân khác nhau với nhiều đường lây khác nhau gây ra, nên cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây:
1. Phòng tránh các đường lây lan của chúng:
1.1. Phòng tránh viêm gan siêu vi A và E:
- Giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân, ăn sạch, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay trước khi ăn...
1.2. Phòng tránh VGSV B, C, D và G bằng cách:
- Truyền máu khi thật cần thiết, có kiểm tra siêu vi viêm gan.
- Tránh tiếp xúc với các vật bén nhọn có dính máu và dịch tiết mang mầm bệnh: không dùng chung kim tiêm, ống tiêm, châm cứu, cắt lể, xâm mình,... không đảm bảo vô trùng.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách.
2. Chủng ngừa chống viêm gan siêu vi A và B:
Tại Việt Nam, tình hình VGSV A không trầm trọng, người mắc bệnh ít có biến chứng, hiếm khi tử vong, Giá thành của thuốc chủng ngừa VGSV A còn quá cao. Vì vậy hiện nay chúng ta chưa có chương trình sử dụng thuốc chủng ngừa VGSV A một cách rộng rãi. Ngược lại, VGSV B có số người nhiễm bệnh cao và khi mắc bệnh tỷ lệ biến chứng và tử vong cao, vì vậy thuốc này đã được chính thức đưa vào chương trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh vào cuối năm 1997 và hiện nay đang được sử dụng rộng rãi trong cả nước. Cả hai loại thuốc chủng ngừa này tương đối an toàn và có hiệu quả cao, đặc biệt thuốc chủng ngừa VGSV B có thể ngừa được VGSV D và giảm được nguy cơ bị ung thư gan về sau.
10. Ta nên đối xử người bệnh VGSV như thế nào?
Do bệnh VGSV không lây qua giao tiếp thông thường và muỗi chích nên người bệnh vẫn sống và làm việc chung với gia đình và cộng đồng. Chúng ta không nên cách ly, xa lánh, phân biệt đối xử với người bệnh. Chúng ta nên hướng dẫn, động viên người bệnh vượt qua những lo lắng thái quá và an tâm sống lao động bình thường như mọi người.