DỊCH BỆNH - Con người và những thách thức mới
Tác giả : TUYẾT QUỲNH
Cùng với các nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vừa mới đối phó thành công với vụ dịch SARS đầu năm 2003 thì đến cuối năm và đầu năm 2004, dịch cúm gà lại rộ lên và gây những thiệt hại đáng kể. Chỉ tính riêng ở miền Bắc, trong số 10 người nhiễm bệnh đã có đến 7 ca tử vong; Hàng triệu gia cầm dù mắc bệnh hay chưa cũng bị tiêu hủy gây thiệt hại khoảng 0,8% tổng thu nhập quốc dân. Sau đó lại đến dịch sốt xuất huyết lan rộng và đã cướp đi 59 sinh mạng trong số 36.516 trường hợp mắc (tính đến ngày 3/8/04).
Các vụ dịch bệnh mới đang làm “đau đầu” ngành y tế toàn cầu bởi tính chất lan truyền nhanh, tỷ lệ tử vong cao, các vi sinh vật gây bệnh ngày càng “tinh quái” hơn, có thể “vượt qua” các phương thức phòng chống dịch cổ điển. Vì thế, để dập tắt một vụ dịch, Nhà nước phải chi những khoản tiền lớn hơn. Như trong vụ dịch SARS (2003) vừa qua ở nước ta, tổng số tiền đã chi xấp xỉ 100 tỷ đồng Việt Nam. Đặc biệt là sự hy sinh tính mạng của các nhân viên y tế, 5 “chiến sĩ áo trắng” đã vĩnh viễn ra đi.
Mới đây, trong một bài báo đăng trên tạp chí của Hiệp hội Quốc tế các bệnh truyền nhiễm, tác giả Francis A. Waldvogel đã chỉ rõ rằng nguyên nhân của các vụ dịch trên bắt nguồn từ những nguy cơ mới do sự phát triển xã hội loài người trong thế kỷ 21 gây ra. Đáng tiếc, Việt Nam và một số nước đang phát triển lại phải hứng chịu trực tiếp những hậu quả ấy một cách rõ rệt nhất.
CÁC NGUYÊN NHÂN CHÍNH
Bệnh truyền nhiễm là sự “đối đầu” của hai thế giới: thế giới vi sinh vật và con người. Thế giới vi sinh vật có từ nhiều triệu năm với số lượng từ 2 đến 3 triệu loài, chiếm 2/3 “sinh khối” của cả hành tinh; Trong khi thế giới loài người mới được hình thành từ vài nghìn năm và những bệnh bị nhiễm từ vi sinh vật chưa quá con số 1.000. Số loài vi sinh vật gây bệnh chỉ chiếm không quá 0,1%. Trong 2 thế kỷ gần đây, nhất là trong thập kỷ qua, do tác động nhiều mặt của nền văn minh, các bệnh truyền nhiễm ngày càng trở nên phức tạp. Nguyên nhân chính gây ra những tác hại ấy bao gồm: hiệu ứng nhà kính, đô thị hóa, di dân, thực phẩm không an toàn và khủng bố sinh học.
Hiệu ứng nhà kính: Trong 200 năm qua, khí quyển trái đất đã nóng lên và nồng độ các khí độc cũng gia tăng (CO2 tăng 30%, Oxýt Nitơ tăng 20%, Metan tăng 100%). Mỗi năm quả đất nóng lên 10C, mực nước biển dâng cao 35cm. Hiện tượng El-nino làm gia tăng bệnh đường ruột, sốt rét, sốt xuất huyết và nhiều loại sốt khác do virus.
Đô thị hóa: Năm 2003, có 47% dân số thế giới sống ở đô thị, đến năm 2007 dự kiến sẽ vượt quá 50%. Sự tập trung dân cư ở đô thị kéo theo gia tăng nhu cầu về các dịch vụ điện nước, xử lý rác thải, ngừa bệnh xã hội... mà đa số các nước đang phát triển không đáp ứng kịp.
Thực tế này đang làm gia tăng tỷ lệ bệnh lao, viêm gan và AIDS; Dịch SARS vừa qua có nguồn lây từ nước thải và bùng phát các ổ dịch ở vùng đô thị. Người ta dự đoán đến năm 2010, 1/3 nhân loại sẽ không được cung cấp đủ nước sạch và hệ thống xử lý chất thải sẽ là nguy cơ làm bùng phát các bệnh dịch đường ruột và hô hấp.
Di dân: Theo các số liệu dịch tễ học, làn sóng di dân, nhất là di dân bất hợp pháp đã tạo nên những thảm họa cho sức khỏe. Năm 2000, trên thế giới có 150 triệu người di cư do chiến tranh và nghèo đói, trong đó 70-90% là phụ nữ và trẻ em, làm xáo trộn sinh thái và phát sinh nhiều bệnh truyền nhiễm (do vệ sinh kém, thiếu nước sạch, không kiểm soát được ổ bệnh). Đó là những bệnh như tiêu chảy, viêm đường hô hấp trên, viêm gan, bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các vi sinh vật gây bệnh “giấu mặt” kỹ hơn, người lành mang bệnh nhiều hơn, ổ dịch di chuyển, hệ thống chăm sóc sức khỏe bất cập... là những nguyên nhân chủ yếu làm dịch bùng phát.
Vệ sinh thực phẩm: Thực phẩm bị ô nhiễm trầm trọng trên phạm vi toàn thế giới đã dẫn đến nhiều vụ dịch do ngộ độc thực phẩm vì vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, hóa chất bảo quản, thuốc trừ sâu và nông dược. Thức ăn hè phố tràn lan, hàng rào hải quan lỏng lẻo, thậm chí rác thải nhập tự do vào các nước đang phát triển... là những nguy cơ trực tiếp mang tính toàn cầu.
An toàn và khủng bố sinh học: Khi tìm hiểu nguyên nhân gây dịch SARS ở Trung Quốc, có ý kiến cho rằng đó là do sự bất cẩn từ một phòng thí nghiệm về virus gây ra. Điều mà J. Lederberg, người từng đoạt giải Nobel đã cảnh cáo từ nhiều năm trước là vi sinh vật có thể được sử dụng như “bom nguyên tử với các quốc gia nghèo” đã thành hiện thực. Đứng đầu danh sách “bom nguyên tử vi sinh vật” ấy là 5 loại vi khuẩn gây bệnh than, ngộ độc thịt, bệnh Tularê, dịch hạch và virus đậu mùa cùng những tác nhân biến đổi khác.
CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM MỚI - THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP
Tính kháng thuốc của các vi sinh vật và hệ thống quản lý yếu kém đang làm gia tăng các loại bệnh mới hoặc tái phát các bệnh truyền nhiễm đã biết trước đây. Chẳng hạn do biến đổi gen, từ một loại virus Dengue năm 1970, đến nay đã có hàng loạt virus mới cũng gây dịch sốt xuất huyết như Ebola, Marbua, Jacop, Hanta. Hay như hội chứng viêm não, hiện nay cũng khó phân biệt do virus và vi khuẩn nào gây ra. Nhiều loại virus gây bệnh cúm và các biến thể mới gây SARS hay cúm gà (H5N1) mới đây thực sự đã làm bối rối các nhà dịch tễ và dẫn đến những tổn thất lớn cho nhiều quốc gia. Cách đây 60 năm, kháng sinh đã ra đời, cùng hàng trăm loại thuốc khác liên tục được phát minh nhưng cũng không kịp trấn áp những thủ phạm “biến hình”, trái lại còn làm gia tăng tính kháng kháng sinh trong quần thể vi sinh vật. Trong cuộc đua này, vi sinh vật vẫn nhanh hơn con người, chúng biến đổi gen với tốc độ chóng mặt, thậm chí thay đổi cả tập quán sống, khiến con người trở tay không kịp.
Trong cuộc chiến với những kẻ thù trên, con người đã tìm đến vũ khí siêu nhỏ “kỹ thuật nano” - với hy vọng chiến thắng dịch bệnh ở mức phân tử. Đối lại, vi sinh vật phát triển các vũ khí siêu nhỏ có 1 peptid gồm 8 amino acid như độc tố của tụ cầu (Staph. aureus) có khả năng phát tán rất rộng, rất xa, làm “hệ thống rada” tầm soát của con người hầu như bất lực.
Đến nay, vaccin vẫn là giải pháp triệt để loại trừ vĩnh viễn các bệnh truyền nhiễm. Song với những kẻ thù mới thiên hình vạn trạng, chắc chắn nhân loại sẽ còn phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.