Báo động về nhiễm khuẩn ở bệnh viện tuyến dưới
Hấp quần áo mổ ở bệnh viện Bình Dân TP HCM. |
Sau khi mổ lấy sỏi mật ở bệnh viện tỉnh, chị Nguyễn Thị L. (20 tuổi, Hải Dương) càng đau bụng hơn do nhiễm trùng vết mổ. Sau khi mổ lại, tình trạng nhiễm trùng lan rộng khắp ổ bụng, gây thủng ruột, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Phải mất 3 tháng điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chị mới bình phục.
Một trường hợp điển hình khác là anh Dương Văn S., 18 tuổi, bị một cây tre dính đầy bùn đâm thẳng vào ngực, được bệnh viện tỉnh P. mổ cấp cứu lấy dị vật và cầm máu. 19 ngày sau mổ, toàn bộ phổi của S. đầy mủ do nhiễm trùng, phải chuyển đến Bệnh viện Việt Đức để mổ lấy nốt dị vật và làm sạch phổi. Sau 3 tuần thở máy, được soi hút dịch phổi, chăm sóc tích cực và dùng kháng sinh liều cao, S. mới qua được cơn hiểm nghèo.
Đó là 2 trong rất nhiều nạn nhân của tình trạng nhiễm trùng bệnh viện ở các tuyến dưới. Một điều tra của Bộ Y tế ở 11 bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh cho thấy, tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện là 6,8%. Tuy nhiên, theo một bác sĩ của Vụ Điều trị, con số này chưa phản ánh đúng thực trạng nhiễm khuẩn bệnh viện; bởi lẽ nếu nghiên cứu cả các bệnh viện tuyến huyện thì tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn nhiều.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, mức độ ô nhiễm vi sinh vật trong không khí ở các bệnh viện đều vượt quá giới hạn cho phép. Nhiều khoa phòng điều trị bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn gây bệnh và nấm mốc. Hầu hết các bệnh viện đều có muỗi, ruồi trong phòng bệnh. Việc xử lý nước, rác thải y tế và sinh hoạt chưa được thực hiện nghiêm túc. Đại đa số bệnh viện không phân loại rác đúng quy định, không hề xử lý rác thải y tế trước khi đổ ra môi trường.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ điều trị, cho biết, hiện 2/3 số bệnh viện không có các khoa vi sinh để giám sát thường quy vi khuẩn trong nguồn nước, dụng cụ y tế và trên tay các nhân viên y tế. 85% bệnh viện sử dụng lại các dụng cụ lẽ ra chỉ được dùng một lần. Qua phân lập vi khuẩn ở 32 bệnh viện bị nhiễm khuẩn bệnh viện sau mổ, người ta nhận thấy có 47% ca nhiễm trùng liên quan đến không khí.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc rửa tay có thể làm giảm một nửa nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy nhiên, hiện còn 16% bệnh viện dùng xà phòng bột hoặc xà phòng cục để rửa tay thường quy và rửa tay ngoại khoa. Một nghiên cứu tại 4 bệnh viện miền núi phía Bắc cho thấy, không bệnh viện nào đảm bảo nước vô khuẩn rửa tay cho phẫu thuật viên. Tỷ lệ ô nhiễm là 81%-100%, với khoảng 198 đến 271 tế bào vi khuẩn/ml nước.
Trong số các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện, tỷ lệ nhiễm khuẩn đường hô hấp chiếm 42%, nhiễm khuẩn vết mổ 18% và đường tiết niệu 16%. Những bệnh nhân phải qua phẫu thuật có nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn 2,4 lần so với người không phải mổ. Nguy cơ này cao nhất ở những bệnh nhân phải thông tiểu, thông khí và đặt ống thông. Ngay cả những ca mổ được coi là sạch cũng vẫn còn 2,3% bị nhiễm khuẩn bệnh viện.
Người Lao Động