Những sai lầm trong phòng chống sốt xuất huyết ở Việt Nam
Trong 18 tỷ đồng kinh phí cho công tác này năm 2004, chỉ 900 triệu đồng (5%) được chi cho hoá chất diệt muỗi và sửa chữa máy phun. Số tiền này chỉ mua được tối đa 2.500 lít pyrethroid, đủ phun cho 2.500 ha nếu phun 2 lượt.
Phân bổ kinh phí bất hợp lý là một trong những sai lầm cơ bản của Bộ Y tế trong phòng chống sốt xuất huyết. Dù đã tiên lượng năm nay là thời điểm nằm trong chu kỳ dịch nhưng Bộ vẫn chỉ chuẩn bị quá ít hoá chất như đã nêu trên. Đến nay, các tỉnh có dịch sốt xuất huyết đã dùng hết 2.000 lít hoá chất, trong khi 1-2 tháng tới mới là đỉnh dịch.
Hoá chất diệt muỗi không chỉ thiếu mà còn được sử dụng không hợp lý. Theo nguyên tắc cơ bản, kinh điển của phòng chống dịch sốt xuất huyết, cần áp dụng tổng hợp biện pháp hoá học (phun diệt muỗi Ae. aegypti) và biện pháp sinh học vệ sinh môi trường (diệt bọ gậy, loăng quăng). Nghĩa là nhất thiết phải phun hoá chất nhằm diệt thật nhanh đàn muỗi mang virus và phun ngay ở nơi phát hiện bệnh nhân trong bán kính 300 m. Nhưng nguyên tắc này không được áp dụng ở Việt Nam bởi theo chỉ đạo của Bộ Y tế, phải chờ đến khi có dịch trung bình hoặc dịch lớn mới sử dụng. Nếu đợi đến khi dịch lớn xảy ra thì nguy cơ bùng phát dịch sẽ tăng. Khi đó, việc chống dịch sẽ rất tốn kém mà không đạt hiệu quả.
Việc sử dụng con Mesocyclops để diệt bọ gậy là không phù hợp ở Việt Nam (theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế, Mesocyclops được thả vào các dụng cụ chứa nước sinh hoạt). Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo, các quốc gia nên thận trọng trong việc sử dụng Mesocyclops. Không nên sử dụng ở những quốc gia có lưu hành bệnh giun chỉ (guineaworm) và giun đầu gai (gnathostomiasis) vì Mesocyclops là vật chủ trung gian đối với các loại ký sinh trùng này.
Việt Nam cùng nhiều nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia... nằm trong vùng phân bố của bệnh giun đầu gai. Người dân uống nước không đun sôi nhiễm Mesocyclops mang ấu trùng giun đầu gai rất có thể mắc bệnh này. Nghiên cứu của giáo sư Trần Vinh Hiển thuộc Trung tâm Bệnh nhiệt đới TP HCM cho thấy, từ cuối năm 1998 đến tháng 8/2002, trên 300 trường hợp mắc giun đầu gai đã được phát hiện ở Việt Nam. Theo ông Hiển, giun đầu gai ký sinh ở cơ, não, có thể gây ra hiện tượng bán thân bất toại.
TS Vũ Đức Hương, Lao Động