Tế bào gốc làm giảm tác động của đột qụy
Thêm
một tác dụng chữa bệnh thần kinh nữa của
tế bào gốc. Các nhà khoa học Mỹ cho biết tế bào gốc chiết xuất
từ máu ở dây rốn có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đột
quỵ.
Trong một nghiên cứu về bệnh đột quỵ trên động vật trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Georgia và Đại học South Florida (Mỹ) phát hiện ra rằng khi đưa tế bào gốc lấy từ dây rốn vào mạch máu kết hợp với dùng mannitol (một loại dược phẩm có tác dụng đưa thuốc lên não), mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ giảm 40%. Ngoài ra, các di chứng liệt sâu, hôn mê và tử vong liên quan đến đột quỵ cũng giảm đáng kể.
"Những gì mà chúng tôi phát hiện được rất thú vị. Chúng tôi đã có hai cách để đưa tế bào gốc lên não, hoặc là qua tĩnh mạch cảnh hoặc cấy trực tiếp vào não", tiến sĩ Cesario V. Borlongan, chuyên gia thần kinh phụ trách nhóm nghiên cứu, nói.
Các nghiên cứu sơ bộ nhằm so sánh hiệu quả của 2 cách đã được tiến hành. Ban đầu, nhóm chuyên gia thấy cách đưa tế bào gốc vào tĩnh mạch cảnh không có tác dụng. Nhưng sau đó, khi tiêm tế bào gốc kết hợp với thuốc mannitol, phương pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt. Các nhà khoa học cho biết, nếu tiêm tế bào gốc vào mạch máu không kèm theo mannitol thì phải tiêm một lượng tế bào gốc nhiều gấp 10 lần trở lên mới tạo được hiệu quả tương tự.
Việt Linh (theo Healthday)