Hội chứng Brugada - sát thủ ngầm của nam giới
Đi khám sức khỏe định kỳ là một cách phát hiện sớm Brugada. |
Đang uống trà sau bữa trưa, anh Nguyễn Văn Khuông (40 tuổi, Long An) bỗng lăn ra bất tỉnh. Tại Viện Tim TP HCM, anh được chẩn đoán là mắc hội chứng Brugada - căn bệnh có thể gây tử vong trong vài phút, thường gặp ở đàn ông Đông Nam Á.
Ngày 14/9, một tuần sau khi anh Khuông nhập viện, Viện Tim TP HCM lại tiếp nhận thêm một bệnh nhân nữa bị hội chứng Brugada. Đó là ông Lê Văn Nghĩa, 60 tuổi, ngụ ở Lâm Đồng. Những triệu chứng phát bệnh gần đây của ông là chóng mặt và có những cơn ngất. Trước đó 8 tháng, em trai ông Nghĩa (là một linh mục) cũng bị hội chứng này, được cứu sống kịp thời sau khi bất thình lình ngưng tim, ngưng thở.
Cách đây vài năm, tại thị xã Rạch Giá (Kiên Giang), trong một gia đình ngư dân gồm 6 người con trai có 3 người lần lượt qua đời ở độ tuổi 30, cách nhau 1-2 năm. Cái chết của họ rất giống nhau: bất thình lình đột tử khi đang ngồi ăn cơm, trò chuyện với gia đình... Trước đó, họ không hề có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe. Các bác sĩ Viện Tim cho rằng sát thủ chính là hội chứng Brugada (tên 2 hai bác sĩ đầu tiên mô tả hội chứng này: Josep Brugada người Tây Ban Nha và Pedro Brugada người Bỉ).
Theo y văn, bệnh nhân mắc hội chứng Brugada đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào năm 1986. Đó là bé trai 3 tuổi ở Ba Lan. Bệnh nhi này hay bị bất tỉnh, mất ý thức và đã được cha sơ cứu nhiều lần. Báo cáo đầu tiên về Brugada được công bố năm 1992 với 8 bệnh nhân. Từ đó, số ca Brugada được phát hiện ngày càng nhiều trên toàn thế giới. Do hội chứng này mới được xác định nên rất khó để biết chính xác tần suất và sự phân bố trên thế giới. Tuy nhiên, các thống kê sơ bộ cho thấy, bệnh xuất hiện nhiều ở vùng Đông Nam Á. Những người vùng này đã biết về nó từ nhiều thập kỷ trước. Ở vùng đông bắc Thái Lan, người ta gọi cái chết do Brugada là Lai Tai (chết trong lúc ngủ) và cho rằng nguyên nhân là do ma quỷ bắt hồn. Ở Philippines, hiện tượng này lại được gọi là Bangungut (hét lớn rồi chết trong lúc ngủ). Nhật Bản gọi cách chết đó là Pokkuri (chết bất ngờ vào buổi tối). Tần suất chết dạng này được ước tính khoảng 26-38 trường hợp trên 100.000 dân mỗi năm; tại Lào, tỷ lệ này là 1/1.000 dân mỗi năm.
Theo các tài liệu y học, hội chứng Brugada là tình trạng rối loạn nhịp di truyền, dẫn đến loạn nhịp thất nhanh, gây ngưng tim, ngưng thở. Khi tình huống loạn nhịp xảy ra, bệnh nhân bị ngất và có thể tử vong trong vài phút nếu không được hồi sức kịp thời. Bệnh thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi khoảng 30 (có thể gặp ở mọi lứa tuổi), có tính di truyền. Khoảng 60% bệnh nhân trẻ chết bất thình lình với điện tâm đồ điển hình của Brugada có người thân đột tử hoặc điện tâm đồ bất thường.
Tại Việt Nam, bệnh nhân Brugada đã được phát hiện ở khắp các miền. Viện Tim TP HCM thường xuyên tiếp nhận những trường hợp này. Theo giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, Phó giám đốc Viện, 50% trường hợp chết trước khi đến bệnh viện do sự đột tử đến quá bất ngờ, trong khi người thân không biết cách sơ cứu vì thiếu kiến thức về bệnh.
Theo giáo sư Vinh, y học vẫn chưa biết vì sao Brugada xảy ra nhiều ở nam giới Đông Nam Á. Có thể là do bộ gene của từng dân tộc khác nhau và điều kiện sống làm biến đổi gene. Hội chứng Brugada có tính di truyền nên khó phòng ngừa, trừ khi người mắc bệnh không lập gia đình.
(Theo Thanh Niên)