Bệnh đái đường
Nguyên nhân
Ðường có trong mía, có trong các loại trái cây, sữa và loại đường phức tạp chứa trong các loại thức ăn khi vào cơ thể được chuyển thành một loại đường duy nhất, là đường Glucose. Insulin được tiết từ tụy tạng là chất có vai trò quan trọng trong chuyển hóa đường, hơn nữa Insulin còn có tác dụng làm ổn định lượng đường trong máu.
Bình thường lượng đường trong máu người khỏe mạnh rất ổn định và đường huyết đo được lúc bụng đói có trị số là 0,8g/l - 1,1g/l. Nếu trị số này dao động từ 1,1g/l - 1,39g/l có nghĩa là cơ thể có "trục trặc" về dung nạp đường. Khi con số này lớn hơn 1,4g/l người ta gọi là tăng đường huyết. Tổ chức Y tế Thế giới có định nghĩa về bệnh đái đường là khi lượng đường trong máu lúc bụng đói cao hơn 1,4g/l và kết quả này phải thấy ở ít nhất là qua hai lần xét nghiệm.
Phân loại
+ Ðái đường phụ thuộc vào Insulin: Thường xảy ra nhiều nhất ở trẻ em và người dưới 30 tuổi. Triệu chứng bệnh xuất hiện và tiến triển nhanh. Người bệnh thuộc nhóm này sẽ chết nếu không được chích Insulin hàng ngày.
+ Ðái đường không phụ thuộc vào Insulin: Thường xảy ra ở người trên 40 tuổi, phần lớn những người này đều thừa cân hoặc béo phì, yếu tố di truyền tương đối rõ (2/3 người bệnh có người thân trong gia đình bị đái đường). Người bệnh loại này dùng các thuốc viên uống gọi là thuốc hạ đường huyết. Ðôi khi chỉ cần thực hiện chương trình luyện tập giảm cân nặng, người bệnh có thể không cần phải dùng thuốc.
+ Ðái đường trong thời kỳ thai nghén: Khoảng 1% - 6% thai phụ bị đái đường khi mang thai. Bệnh thường xuất hiện ở tháng thứ ba đến tháng thứ chín của thai kỳ. Ða số trường hợp bệnh biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và chữa trị sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con. Trẻ thường có đầu to, cân nặng vượt quá mức bình thường và thường hay mắc phải các dị tật bẩm sinh, những trẻ này cũng dễ mắc bệnh đái đường sau này, còn bà mẹ có nguy cơ bị tiền sản giật (phù chi, cao huyết áp) cao gấp bốn lần thai phụ bình thường. Do đó, những phụ nữ có thai từng sinh con cân nặng khoảng 4,5 kg hoặc thai chết lưu, hoặc có người trong gia đình mắc bệnh đái đường thường được khuyên nên xét nghiệm để xem có bị đái đường khi có thai không.
+ Ðái đường thứ phát: Loại này ít thấy hơn, có nguyên nhân gây ra là một bệnh khác chẳng hạn như bệnh của tụy tạng, tụy tạng bị cắt bỏ, u tuyến yên, cường giáp...
BS NGUYỄN THANH SƠN
(Trung tâm Ðào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM)