Tiểu đường nguy hiểm nhưng diễn tiến thầm lặng
Béo phì dễ dẫn đến nguy cơ tiểu đường |
Tỉ lệ bệnh tiểu đường type 2 tại các nước phát triển được ước lượng vào khoảng 6,2% và dự đoán sẽ gia tăng đến 7,6% vào năm 2025. Các nước đang phát triển có tỉ lệ mắc bệnh khởi điểm tương đối thấp vào khoảng 3,5% nhưng ước lượng sẽ tăng đến 4,9% vào năm 2025.
Vào năm 2000 tỉ lệ tiểu đường tại VN được ước lượng vào khoảng 2,7%; năm 2001 một điều tra cơ bản tại An Giang cho thấy tỉ lệ này là 3,9%. Hiện nay tỉ lệ tiểu đường tăng nhiều nhất tại các nước vùng đảo Thái Bình Dương và Nam Á (Ấn Độ).
Lười vận động, ăn uống theo kiểu phương Tây: Hai nguy cơ gây tiểu đường
Một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự gia tăng tỉ lệ tiểu đường là sự thay đổi lối sống đột ngột từ tình trạng đói nghèo hoặc vừa đủ ăn sang thừa ăn, từ vận động thường xuyên sang lối sống tĩnh tại, ít vận động.
Điển hình dân đảo Nauru vùng Thái Bình Dương vào trước thập niên 70 tỉ lệ bệnh tiểu đường type 2 không đáng kể, từ khi ngành du lịch phát triển, dân đảo tăng thu nhập qua dịch vụ, từ bỏ kiểu ăn uống nhiều chất xơ và thức ăn gồm nhiều cá và trái cây, dân đảo cũng không còn phải kiếm ăn bằng các phương tiện như đánh cá, trồng trọt mà chủ yếu sống bằng dịch vụ và chuyển dần sang kiểu sống phương Tây sử dụng thức ăn nhanh, uống nhiều nước ngọt; tỉ lệ bệnh tiểu đường của dân đảo này hiện nay nhiều nhất thế giới là hơn 40%. Từ kinh nghiệm tăng đột xuất tỉ lệ tiểu đường tại một số vùng, các chuyên gia đã xác định những yếu tố nguy cơ gây bệnh, đó là tuổi già, tình trạng ít vận động, béo phì nhất là kiểu béo bụng, tăng huyết áp, rối loạn mỡ trong máu, gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em bị tiểu đường. Phụ nữ sinh con to (cân nặng lớn hơn 4 kg lúc sinh) cũng dễ bị tiểu đường về sau. Khả năng những người có yếu tố nguy cơ kể trên bị tiểu đường sẽ cao hơn, do đó đây là nhóm người nên được kiểm tra đường huyết thường xuyên (ít nhất mỗi năm một lần) để phát hiện bệnh sớm. Tại TPHCM, Hội Tiểu đường và Nội tiết TPHCM đã phối hợp cùng Bộ môn Nội tiết Trường Đại học Y Dược thực hiện một chương trình tầm soát bệnh tiểu đường trên những người có ít nhất hai yếu tố nguy cơ kể trên. Tỉ lệ mắc bệnh thô thay đổi từ 5,5% đến 12%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ bệnh trên dân số chung.
Có thể phòng ngừa
Trong vòng 5 - 10 năm gần đây, có nhiều nghiên cứu về phòng ngừa các biến chứng của tiểu đường đã được công bố tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ: Giảm bệnh lý tim mạch được hơn 1/3 khi điều trị bệnh nhân tiểu đường bằng nhóm statin. Thuốc ức chế men chuyển làm giảm diễn tiến của bệnh tiểu đường. Kiểm soát đường huyết chặt chẽ làm giảm biến chứng mạch máu nhỏ nói chung được 25%. Kiểm soát huyết áp tốt giảm được 25% biến chứng võng mạc của bệnh tiểu đường.
Điều đáng mừng là ngày nay đã có bằng chứng cho thấy có thể ngăn chặn được sự xuất hiện của bệnh tiểu đường type 2 trên các đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ. Nghiên cứu phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2 tại Trung Quốc, Bắc Âu và Bắc Mỹ cho thấy ăn uống đúng cách và luyện tập thể lực đều đặn có thể làm chậm sự xuất hiện của bệnh tiểu đường được từ 31% đến 58%. Trong các nghiên cứu này, vấn đề luyện tập thể lực có thể chỉ đơn giản là tăng cường vận động như đi bộ thay vì đi xe máy, xe hơi, tự lên thang lầu thay vì dùng thang máy, siêng năng dọn dẹp nhà cửa, làm vườn... Phương pháp đơn giản dễ nhớ nhất là đi bộ mỗi ngày 30 - 45 phút, 5 ngày một tuần. Bệnh nhân tiểu đường lớn tuổi bị thoái khớp khi đi bộ liên tục có thể đau khớp gối, dễ thực hiện nhất là đi bộ 15 phút sau mỗi bữa ăn. Như vậy chúng ta có thể phòng ngừa một căn bệnh rất tốn kém bằng một phương pháp rất rẻ tiền.
Mặc dù bệnh tiểu đường type 2 đưa đến nhiều biến chứng gây tàn phế và tử vong như mù, suy thận, loét chân, nhồi máu cơ tim... nhưng trong một thời gian dài bệnh rất âm ỉ, không gây triệu chứng gì khó chịu cho người bệnh. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm vì bệnh nhân không cảm thấy gì khác lạ nên thường không quan tâm điều trị đầy đủ trong khi đó bệnh vẫn tiếp tục tiến triển, đến giai đoạn cuối nhiều biến chứng việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém. |