Khó khăn trong việc sao hồ sơ bệnh án
Khi các điều tra viên hình sự đến mượn hồ sơ tại bệnh viện, một số trường hợp “nể” lắm thì mới cho mượn phim, nhưng phải đọc tại chỗ. Nhưng điều tra viên lại không thể đọc được phim X-quang còn giám định viên pháp y đi đến từng bệnh viện để… đọc phim X-quang.
Chị Nguyễn Thị Bích Hằng, 28 tuổi ở Văn Mỗ, Hà Đông, Hà Tây đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật trong 11 ngày ở Bệnh viện tỉnh Hà Tây và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để cứu tính mạng nhưng không qua khỏi.
Nhiều người thân của chị Hằng cho rằng, một số bác sĩ và nhân viên y tế khoa Sản Bệnh viện tỉnh Hà Tây phải chịu trách nhiệm về sự ra đi đó. Gia đình chị đã làm đơn gửi đến Cơ quan công an điều tra đề nghị xem xét.
Để xác định nguyên nhân chết của chị Hằng, các giám định viên pháp y đã khám nghiệm, giải phẫu tử thi vào ngày 23/12/2004 và làm các xét nghiệm cần thiết khác.
Mặc dù Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thị xã Hà Đông đã có công văn đề nghị Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa Hà Tây cho sao bệnh án của chị Hằng, đồng thời cán bộ điều tra không ít lần đi lại về việc này, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “phải chờ ý kiến cấp trên”.
Cho đến ngày thứ 9, Công an thị xã Hà Đông mới “được phép” sao bệnh án của chị Hằng ở Bệnh viện Hà Tây và chuyển giao cho các giám định viên pháp y Bộ Công an theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Còn bệnh án của chị Hằng ở Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan điều tra đã có công văn gửi Vụ Điều trị, Bộ Y tế, nhưng cho đến ngày 6/1/2005, Pháp y Bộ Công an vẫn chưa có được? Lý do vì: Giám đốc bệnh viện ghi đích danh bác sĩ Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cung cấp bệnh án nên hai bác sĩ phó trưởng phòng không dám thực hiện.
Sở dĩ Bệnh viện Hà Tây và Bệnh viện Bạch Mai ứng xử như vậy do yêu cầu của Bộ Y tế. Quyết định 1895/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế nêu quy chế lưu trữ hồ sơ bệnh án:
“... Sao bệnh án ở bệnh viện cấp Trung ương phải được sự đồng ý của Vụ trưởng Vụ Điều trị - Bộ Y tế; sao bệnh án ở cấp tỉnh, huyện phải được sự đồng ý của Giám đốc Sở Y tế”.
Có thể nói không quá rằng, đây là một “lệ” mang đậm dấu ấn cửa quyền và đã lỗi thời.
Bởi lẽ, bệnh án tuy là một loại hồ sơ có tính pháp lý nhưng không phải là loại tài liệu tối mật hay tuyệt mật gì. Bệnh án chỉ là cụ thể hóa y lệnh của thầy thuốc trên giấy trắng mực đen, kiểm tra việc thực hiện y lệnh và các tác nghiệp của nhân viên y tế; thể hiện sự đúng sai của quá trình chẩn đoán, điều trị; phần khác là giúp thống kê và nghiên cứu về một số bệnh, tìm ra phương pháp điều trị tốt hơn.
Trên bình diện cả nước, từ khi có quyết định 1895/QĐ-BYT của Bộ Y tế, khi có vụ việc cần sao bệnh án, cơ quan điều tra phải làm công văn “đề nghị” bệnh viện quản lý bệnh án rồi điều tra viên phải đích thân mang công văn đó đi xin chữ ký phê duyệt của Giám đốc Sở Y tế hay Vụ trưởng Vụ Điều trị Bộ Y tế.
Ở tỉnh còn đỡ, ở huyện, nhất là vùng sâu, vùng xa ra tỉnh hay lên trung ương gặp được các vị này nhiều khi chỉ còn thiếu nước... ốm, có khi phải đi năm bảy lượt mới có kết quả bởi các quan chức đầu ngành thường… bận mà thời hạn điều tra lại có hạn.
Đã thế, các loại án hình sự, tai nạn giao thông, tai nạn lao động đều có thể phải qua “cửa” bệnh viện vì khi bị thương, nạn nhân đều được đưa đến bệnh viện cấp cứu, chữa trị... Việc sao bệnh án gặp khó thì các chuyện khác cũng khó theo.
Có trường hợp nạn nhân bị đánh, vào bệnh viện Y. điều trị, được chẩn đoán là vỡ xương gót trái trên phim X-quang. Sau này bác sĩ pháp y cho chụp lại phim X-quang để giám định thương tật thì thấy xương gót trái bình thường.
Vì vậy cần phải có phim cũ của bệnh viện để đối chiếu, nếu có tổn thương ở xương, tỉ lệ thương tật đủ để khởi tố người đánh. Nhưng khoa ngoại bệnh viện Y. này dứt khoát không cho mượn phim dù đã có công văn đề nghị. Về sau được biết (qua một kênh thông tin nội bộ bệnh viện) là các bác sĩ đọc phim sai, vì thế đã... không cho mượn phim?!
Đối chiếu với quy định hiện hành, rõ ràng rằng, quy chế lưu trữ hồ sơ bệnh án do Bộ Y tế ban hành năm 1997 mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự. Quy chế này cần được bãi bỏ
Trần Lưu