Bệnh tâm căn hay gặp ở những người yếu đuối
Những người lạc quan khó bị bệnh tâm thể. |
Bệnh tâm căn chính là nguyên nhân khiến các học sinh Phú Thọ đồng loạt ngất xỉu thời gian gần đây. Nó là nhóm bệnh tâm thần xuất hiện do những sang chấn tâm lý chứ không hề có tổn thương thực thể tại não hay các cơ quan khác.
Bệnh tâm căn xuất hiện ngay khi có sang chấn tâm lý (phản ứng với stress cấp...) hoặc sau khi sang chấn tâm lý đã xảy ra một thời gian, có thể là vài ngày, vài tuần, vài tháng (rối loạn sự thích ứng, rối loạn stress sau sang chấn...)
Sang chấn tâm lý được hiểu là tất cả các sự việc, hiện tượng trong cuộc sống (người thân mất, mất việc làm...) tác động vào tâm thần của cá nhân, gây ra những đáp ứng về cảm xúc mạnh. Phần lớn sự đáp ứng này mang tính tiêu cực, ví dụ như sợ hãi, lo lắng, tức giận, buồn bã...
Tuy nhiên, không phải cứ có sang chấn tâm lý là có biểu hiện bệnh lý tâm thần. Cùng chịu sang chấn tâm lý là mất việc làm, có người thì vượt qua và tìm được công việc mới, nhưng có người lại suy sụp tinh thần, không thể vượt qua được. Nhân cách đóng vai trò rất quan trọng trong việc này. Sang chấn tâm lý có gây bệnh hay không phụ thuộc chủ yếu vào nhân cách. Những người có tính mạnh mẽ, lạc quan yêu đời, nhanh nhạy và có khả năng chịu đựng với sang chấn tốt sẽ ít khi mắc bệnh, và khi mắc bệnh rồi thì chính nhân cách này đã giúp họ nhanh chóng khỏi hơn. Ngược lại, những người có nhân cách yếu, phụ thuộc, hay tự ti, thụ động... sẽ dễ mắc bệnh và khả năng phục hồi cũng chậm hơn.
Môi trường cũng là yếu tố liên quan đến bệnh lý tâm căn. Môi trường ở đây có thể hiểu là những tác động về mặt tâm lý của các sự việc đang diễn ra xung quanh bệnh nhân. Khi nhiều cá thể cùng nhận những tác động tiêu cực thì dễ bị bệnh mang tính chất tập thể, ví dụ như vụ "ngất" hàng loạt của học sinh nữ Trường trung học phổ thông Xuân Áng (Hạ Hòa - Phú Thọ). Ngược lại, khi các cá thể cùng nhận những tác động tích cực thì khả năng chống đỡ bệnh tốt hơn.
Bệnh tâm căn cũng dễ xuất hiện trong những giai đoạn suy sụp về sức khỏe như: sau các đợt sốt, bệnh tim mạch, hô hấp. Lúc này, sức chống đỡ của cơ thể rất kém, khi gặp sang chấn dù nhỏ vẫn có thể mắc bệnh. Ngược lại, khi cơ thể khỏe mạnh thì sức chống đỡ sẽ tốt hơn, ít nguy cơ mắc bệnh hơn.
Để phòng bệnh tâm căn, cần loại bỏ các yếu tố gây bệnh như đã nói trên. Phải hạn chế sang chấn tâm lý và tác động xấu của nó đối với cơ thể, cố gắng tìm ra được những giải pháp tốt nhất để chấm dứt sang chấn. Nên tìm kiếm sự trợ giúp và chia sẻ từ người thân, bác sĩ tâm lý khi bản thân cảm thấy bế tắc, không có lối thoát. Phải luôn xác định cho bản thân có lối sống lành mạnh, chủ động trong mọi tình huống, thích ứng tốt với những thay đổi của cuộc sống. Ngoài ra, nên bồi dưỡng cơ thể khỏe mạnh, kịp thời chữa các bệnh cơ thể, luyện tập thể dục, thể thao đều đặn và thực hiện một chế độ ăn cân đối, đầy đủ chất dinh dưỡng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)