BV Việt Pháp chữa sỏi tiết niệu bằng các phương pháp mới
Từ năm 2001 đến nay, đã có hơn 300 bệnh nhân được Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) điều trị sỏi đường tiết niệu bằng các kỹ thuật hiện đại như tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi thận qua da, nội soi niệu quản. So với mổ hở lấy sỏi, các phương pháp này ít gây đau đớn hơn, bệnh nhân được xuất viện nhanh hơn.
Tiến sĩ Võ Văn Bản, Phó Tổng Giám đốc bệnh viện, cho biết, phương pháp được áp dụng nhiều nhất là tán sỏi ngoài cơ thể. Trong kỹ thuật này, các bác sĩ sử dụng sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi để phá vỡ nó (bệnh nhân không bị một can thiệp nào khác vào cơ thể). Các mảnh vỡ tự thoát ra ngoài theo đường tiểu tiện. Tán sỏi ngoài cơ thể được áp dụng cho loại sỏi thận có đường kính dưới 2,5 mm và sỏi niệu quản (trừ những viên nằm trên vùng xương chậu). Kỹ thuật này đạt hiệu quả 90% đối với sỏi thận và 80% với sỏi niệu quản (chỉ sau 1 lần tán duy nhất). Bệnh nhân hầu như không đau, không cần chăm sóc đặc biệt và có thể về nhà sau nửa ngày.
Trong phương pháp nội soi lấy sỏi thận qua da, các bác sĩ đưa một ống nội soi nhỏ qua da vùng lưng tới thận, dùng sóng điện quang tán vỡ sỏi rồi hút ra ngoài. Ca mổ kéo dài 2 giờ, bệnh nhân có thể xuất viện 3-4 ngày sau đó. Kỹ thuật này thường được áp dụng cho các trường hợp tán sỏi ngoài cơ thể thất bại hoặc tái phát sỏi sau mổ hở, có hiệu quả cả với những viên sỏi lớn hơn 25 mm và sỏi niệu quản ở vùng cao.
Ngoài ra, kỹ thuật nội soi còn được áp dụng để điều trị sỏi niệu quản. Ống nội soi được đưa qua đường tiểu, vào bàng quang và lên tới niệu quản để tán sỏi và gắp ra ngoài. Thủ thuật kéo dài 1 giờ, bệnh nhân không đau và có thể xuất viện sau 1 ngày. Phương pháp này có hiệu quả với sỏi niệu quản vùng thấp, được áp dụng cho bệnh nhân đã tán sỏi ngoài cơ thể nhưng không có kết quả. Đây cũng là giải pháp tốt cho các trường hợp các mảnh sỏi vỡ bị kẹt trong niệu quản sau đã điều trị bằng 2 phương pháp kể trên.
Sỏi đường tiết niệu là một trong những bệnh lý phổ biến nhất ở Việt Nam. Tại các bệnh viện Trung ương và tỉnh, số người mắc bệnh này chiếm 30-40% các trường hợp nhập viện do các vấn đề tiết niệu. Nguyên nhân chủ yếu gây sỏi là do chế độ ăn có quá nhiều muối và thói quen uống ít nước của người dân. Hiện nay, phương pháp điều trị phổ biến nhất vẫn là mổ hở để lấy sỏi, với đặc điểm là hiệu quả thấp, gây đau đớn, thời gian nằm viện kéo dài (1-3 tuần) và dễ dẫn đến nhiễm trùng. Các kỹ thuật hiện đại kể trên chỉ được áp dụng ở các bệnh viện lớn, nơi có các thiết bị đắt tiền như máy tán sỏi, dụng cụ nội soi...
S.K