TIỂU KHÔNG KIỂM SOÁT Ở PHỤ NỮ
(tiếp theo và hết)
BS. NGUYỄN THÀNH NHƯ
BS. NGUYỄN VĂN HIỆP - PGĐ Bệnh viện
Bình Dân
Điều trị tiểu không kiểm soát phụ thuộc vào phân loại đã
đề cập ở trên:
- Điều trị tiểu không kiểm soát do lỗ dò là công
việc của bác sĩ chuyên khoa niệu nhằm phẫu thuật khâu vá lại lỗ dò ở âm đạo
và ở bàng quang (hay ở niệu quản).
- Điều trị tiểu không kiểm soát do mắc đi tiểu gấp
là nhằm loại bỏ nguyên nhân gây bệnh tại bàng quang (viêm, sỏi, bướu, mà
nguyên nhân thường gặp nhất là viêm bàng quang) bằng cách sử dụng kháng sinh
nếu bị viêm bàng quang, bằng cách phẫu thuật bàng quang lấy sỏi, cắt bướu.
Thuốc tỏ ra có tác dụng tốt đối với bàng quang bất ổn định. Trong số các
thuốc hiện đang được sử dụng thì flavoxate hydrochloride (Genurin ®) có hiệu
quả tốt và ít có tác dụng phụ (viên 200mg, 3-4 lần/ngày, mỗi lần 1 viên).
Khi điều trị nội khoa thất bại,
bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp khác như làm giãn bàng
quang bằng bong bóng, phẫu thuật làm rộng bàng quang bằng ruột.
- Đối với tiểu không kiểm soát do gắng sức thì các
trường hợp bị nhẹ, việc tập luyện các cơ vùng tầng sinh môn (liệu pháp
Kegel) phối hợp với thuốc giúp người bệnh khỏi bệnh trong khá nhiều trường
hợp bị nhẹ và vừa (80%). Các loại thuốc kích thích thụ thể alpha như
phenylpropanolamine có thể giúp làm tăng trương lực niệu đạo, trị dứt được
bệnh.
Khi điều trị trên đây thất bại, người bệnh sẽ được đề nghị
chuyển qua điều trị bằng phẫu thuật nhằm mục đích nâng cổ bàng quang lên,
đưa cổ bàng quang về vị trí bình thường. Đối với đàn ông, cơ vòng nhân tạo
tỏ ra rất có hiệu quả trong điều trị tiểu không kiểm soát do gắng sức.
- Trong tiểu không kiểm soát do tràn đầy
cần loại bỏ nguyên nhân gây bế tắc đường tiểu dưới (bằng cắt bướu lành tiền
liệt tuyến, nong niệu đạo hay tạo hình niệu đạo nếu do hẹp niệu đạo). Riêng
trong liệt bàng quang, tự thông tiểu sạch - cách quãng là phương pháp điều
trị ngày càng được áp dụng rộng rãi.
- Điều trị gặp nhiều khó khăn đối với tiểu không kiểm
soát do mất cảm giác, thuốc tỏ ra ít hiệu quả nhưng săn sóc vệ sinh tại
chỗ lại giúp ích nhiều cho bệnh nhân. Có thể cho bệnh nhân mang các dụng cụ
hứng nước tiểu, mang băng thấm nước tiểu hay mang thông tiểu tại chỗ.
- Đối với bệnh nhân bị những giọt nước tiểu sót sau khi
đã tiểu xong, cần phát hiện và điều trị bệnh ở niệu đạo (hẹp niệu đạo,
túi thừa niệu đạo). Trường hợp không tìm thấy nguyên nhân nào, bệnh nhân sẽ
được hướng dẫn cách "vắt" hết nước tiểu trong niệu đạo sau khi tiểu xong.
- Một việc cần làm trong điều trị tiểu không kiểm soát là
tránh để táo bón.
Tóm lại, tiểu không kiểm soát là 1 bệnh khá phổ biến
ở phụ nữ với các mức độ nặng nhẹ khác nhau, gây nhiều phiền toái trong đời
sống hàng ngày và xã hội. Do tính chất tế nhị của bệnh, do thiếu hiểu biết
về bệnh hay do "ngại" mà nhiều người bệnh thường cam chịu hay chỉ dấu diếm
rồi "trị" bằng cách mang băng vệ sinh. Nên đến khám bác sĩ chuyên khoa niệu
hay phụ - sản để được chẩn đoán và điều trị thích hợp mà nhiều trường hợp
chỉ cần tập luyện cơ vùng sinh dục phối hợp với thuốc là có thể điều trị
khỏi bệnh.