PHÌNH ÐỘNG MẠCH CHỦ BỤNG - CHỨNG BỆNH NGUY HIỂM Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Tác giả : BS. LÊ PHI LONG (BV. Nhân dân Gia Ðịnh)
Với sự phát triển của xã hội và những tiến bộ của y học, sức khỏe con người ngày càng được cải thiện và tuổi thọ trung bình cao hơn. Tại nhiều nước trên thế giới và cả ở nước ta, ngành lão khoa đã bắt đầu hình thành và phát triển. Các bệnh lý người cao tuổi thường gặp như tim mạch, ung thư, tiểu đường, chứng loãng xương, thoái hóa khớp đã được bàn đến nhiều và khá quen thuộc với người dân. Bài viết này xin giới thiệu một nguy cơ thứ ba của người cao tuổi, cũng liên quan đến xơ vữa động mạch và cao huyết áp: đó là chứng phình động mạch chủ bụng.
Phình động mạch chủ bụng là gì và tại sao nó lại nguy hiểm?
Máu từ tim đi nuôi cơ thể phải qua một hệ thống động mạch. Ðộng mạch chủ là mạch máu xuất phát trực tiếp ngay từ tim và là động mạch lớn nhất của cơ thể. Từ động mạch chủ mới chia nhánh ra các động mạch nhỏ hơn để đi đến các cơ quan. Ðộng mạch chủ chia làm hai đoạn: ngực và bụng. Ðộng mạch chủ bụng nằm ở phần bụng, cung cấp máu chủ yếu cho các cơ quan trong ổ bụng và phần dưới của cơ thể. Trung bình, đường kính của động mạch chủ bụng vào khoảng 2cm.
Vì một lý do nào đó, nếu kích thước của động mạch chủ bụng to ra bất thường ở một đoạn nào trên đường đi của nó, tạo thành một chỗ phình lên như cái túi, người ta gọi là phình động mạch chủ bụng.
Với sự thay đổi trên, tại chỗ túi phình, máu dễ tạo huyết khối (cục máu đông) làm thuyên tắc mạch. Nguy hiểm hơn, vách của túi phình sẽ giảm sức bền và yếu đi, trở nên dễ nứt, dễ vỡ nếu có kèm tình trạng cao huyết áp (áp lực máu cao tác động lên thành mạch yếu). Do đó túi phình được ví như một "quả bom" và có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Vì ở gần tim và có kích thước lớn nên khi túi phình vỡ, máu sẽ thoát ra ngoài ồ ạt, gây tình trạng mất máu trầm trọng khiến bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài phút. Ở một số tình huống khác, túi phình có thể bị nứt hoặc bị bong các lớp áo, diễn tiến tuy chậm hơn nhưng tính mạng bệnh nhân cũng bị đe dọa nghiêm trọng, vì nếu không điều trị kịp, túi phình sớm muộn cũng sẽ bị vỡ.
Nguyên nhân và các đối tượng dễ mắc phình động mạch chủ bụng
Các số liệu thống kê cho thấy chứng bệnh này hầu hết gặp ở những bệnh nhân cao tuổi, có kèm xơ vữa mạch máu và cao huyết áp. Người ta cho rằng tình trạng thành mạch bị xơ vữa, chịu áp lực cao liên tục, kéo dài theo năm tháng là những lý do để hình thành nên túi phình.
Trước kia, người ta còn ghi nhận một số trường hợp phình động mạch chủ ngực hoặc động mạch chủ bụng trên những bệnh nhân giang mai không điều trị đúng, đã đi vào giai đoạn muộn (có di chứng vào các cơ quan và mạch máu), nhưng hiện nay không thấy nhắc đến nữa. Một số xuất hiện trong các bệnh lý viêm nhiễm mạch máu khác, hoặc di chứng sau chấn thương...
Triệu chứng và dấu hiệu bệnh
Ða số, túi phình thường không gây bất cứ triệu chứng nào nên bệnh nhân không biết để đi khám. Thường chỉ khi túi sắp vỡ hay vỡ đột ngột thì mới được phát hiện, nhưng như vậy là đã trễ. Những túi phình âm thầm thường được phát hiện một cách tình cờ.
Dấu hiệu gợi ý đến phình động mạch chủ bụng là sờ thấy một khối u, thường ở trên rốn, nảy theo nhịp đập của tim. Một số bệnh nhân cũng có thể tự phát hiện ra dấu hiệu này nhưng thường bỏ qua vì u ít gây đau đớn hay biểu hiện khó chịu gì khác.
Khi túi phình vỡ vào xoang bụng (y học gọi là xuất huyết nội), huyết áp đang cao sẽ tụt xuống đột ngột, bệnh nhân rơi vào tình trạng choáng nặng do mất nhiều máu và thường dẫn đến tử vong. Nếu túi phình chưa vỡ hẳn mà chỉ bị nứt hay bị bóc tách các lớp áo, y học gọi là dọa vỡ hay sắp vỡ, bệnh nhân thường bị đau bụng đột ngột, đôi khi chẩn đoán lầm với các nguyên nhân gây đau bụng cấp khác.
Một số ít các trường hợp khác, do nằm kề cận với tá tràng (đoạn ruột đầu), túi phình có thể "rò rỉ" vào lòng tá tràng làm bệnh nhân nôn ra máu và tiêu phân đen lượng nhiều. Vừa qua tại BV. Nhân dân Gia Ðịnh, các bác sĩ đã chẩn đoán được một trường hợp cá biệt, cực kỳ hiếm gặp từ trước đến nay, đó là túi phình vỡ vào ruột già (đoạn ruột cuối) gây triệu chứng đi tiêu phân máu đỏ, kèm theo bệnh cảnh tắc mạch chân cấp tính do huyết khối ở túi phình bong ra. Tuy nhiên bệnh nhân đã được phẫu thuật và cứu sống kịp thời.
Ðiều trị thế nào?
Bệnh sẽ được xác định bằng thăm khám, siêu âm bụng và chụp một phim CT-Scan bụng có tiêm thuốc cản quang. Một khi đã xác định được, phẫu thuật là một việc cần thiết để có thể chữa khỏi hoàn toàn. Các túi phình lớn dù không gây triệu chứng nào cũng sẽ đều được mổ lấy đi, vì có thể gây nguy cơ vỡ đột ngột không kịp trở tay. Bác sĩ sẽ cắt bỏ túi phình và dùng một đoạn mạch máu làm bằng vật liệu nhân tạo để nối vào thay thế. Hiện nay, nhiều bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, BV. Nhân dân Gia Ðịnh, Bình Dân... đã có đủ trang thiết bị vật liệu nhân tạo thay thế và có thể tiến hành phẫu thuật bệnh lý này. Nhưng thách thức chính đặt ra cho các bác sĩ là tình trạng chung của bệnh nhân thường kém (do tuổi cao sức yếu, kèm bệnh lý tim mạch và các bệnh nội khoa mãn tính khác, dinh dưỡng kém...), lại phải trải qua một cuộc phẫu thuật nặng nề, mất máu nhiều, đường mổ kéo dài từ mũi ức đến gần xương mu, do đó nguy cơ của cuộc mổ rất cao, hậu phẫu thường dễ có biến chứng và chậm hồi phục. Cũng chính vì lý do này mà trong những trường hợp túi phình dọa vỡ phải mổ cấp cứu, tỷ lệ thất bại trong và sau mổ còn cao.
Cách phòng ngừa bệnh
Hiện y học chưa tìm được cách nào phòng ngừa thật hiệu quả chứng bệnh này. Tuy nhiên do bệnh có liên quan đến xơ vữa động mạch và cao huyết áp, nên các phương thức phòng ngừa và điều trị hai yếu tố trên cũng được coi như những cách ngăn ngừa sự tạo nên túi phình. Hạn chế ăn mỡ, điều chỉnh rối loạn lipid máu, tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe định kỳ, khống chế tốt huyết áp, điều chỉnh đường huyết... là những khuyến cáo chung cho các bệnh nhân có nguy cơ. Ðặc biệt những người cao tuổi nên cẩn thận với các khối u đập theo nhịp mạch ở vùng bụng; Nếu có cần đến bác sĩ khám sớm để được theo dõi và điều trị kịp thời.