PHÒNG NGỪA ĐỘT TỬ SAU NHỒI MÁU CƠ TIM
PTS. BS NGUYỄN THỊ CHÍNH
Khoa Tim Mạch - BV Hữu Nghị
Đột tử là tên gọi chung cho những trường hợp chết nhanh chóng, là những
cái chết đột ngột không do chấn thương của các nguyên nhân tự nhiên, xảy ra
trong vòng một giờ sau khi các triệu chứng mới xuất hiện, cái chết không dự
đoán được trước (đau ngực, nghẹt thở, mệt lả v.v...).
Ở các nước đang phát triển và ở nước ta hiện nay, đột tử cũng là một vấn đề
đang được quan tâm. Hàng năm có khoảng 50.000 trường hợp đột tử tại Pháp và
400.000 trường hợp ở Mỹ. Đột tử thường có liên quan chặt chẽ đến bệnh lý tim
mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh cao huyết áp và
các rối loạn nhịp tim nguyên phát. Trong số những bệnh nhân đột tử do tim,
có đến 75% bệnh nhân có bệnh mạch vành và 25% có bệnh cơ tim hay van tim
khác. 50% bệnh nhân có bệnh lý động mạch vành sẽ bị đột tử. Theo nhiều
nghiên cứu đã được công bố cho thấy, yếu tố nguyên phát đưa đến đột tử nhất
là nhịp nhanh thất ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.
Người ta chia các bệnh nhân có nguy cơ cao đột tử thành hai nhóm:
- Nhóm bệnh nhân có loạn nhịp mà không có triệu chứng, thường là các bệnh
nhân sau nhồi máu cơ tim, bệnh nhân có suy tim ứ huyết.
- Nhóm bệnh nhân loạn nhịp có triệu chứng, thường là các bệnh nhân có cơn
nhịp nhanh thất, suy thất.
Nguyên nhân gây đột tử nhiều nhất là các bệnh tim mạch. Đó là các
trường hợp:
- Suy tim: Bất kỳ do nguyên do gì, có người do bệnh van tim, bệnh cơ
tim v.v... thì những người bệnh suy tim có tỷ lệ đột tử cao hơn người chưa
bị suy tim.
- Loạn nhịp tim, các loại loạn nhịp phức tạp như các cơn nhanh kịch
phát thất, xoắn đỉnh, ngoại tâm thu thất nhiều ổ, nhịp chậm, bloc nhĩ - thất
v.v... đều dễ đưa đến đột tử.
- Tăng huyết áp, với các biến chứng như dày thất trái, bóc tách động
mạch chủ, tai biến mạch máu não cũng là yếu tố gây đột tử. Còn nhồi máu cơ
tim gây đột tử cao gấp 10 lần người bình thường. Nhất là nhồi máu cơ tim có
diện tích rộng, nhồi máu cơ tim có loạn nhịp, nhồi máu cơ tim có suy tim và
nhồi máu cơ tim tái phát nhiều lần thì khả năng đột tử lại càng cao hơn các
trường hợp nhồi máu cơ tim không có biến chứng kể trên. Vì vậy câu hỏi đặt
ra là:
Nên phòng ngừa đột tử sau nhồi máu cơ tim như thế nào?
Qua kinh nghiệm lâm sàng và nghiên cứu người ta nhận thấy rằng sau nhồi máu
cơ tim, có từ 5-10% bệnh nhân chết trong vòng 12 tháng đầu tiên (tức là
trong một năm đầu bị nhồi máu cơ tim).
Các yếu tố xấu của nhóm bệnh nhân này bao gồm:
1. Vẫn còn thiếu máu cơ tim ở vùng còn lại.
2. Suy giảm chức năng co bóp thất trái.
3. Có xuất hiện các loạn nhịp thất nguy hiểm tức là ngoại tâm thu thất dày
(trên 10 lần/giờ), ngoại tâm thu thất đa dạng, cơn nhịp nhanh thất ngắn.
Nếu một bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim vừa bị suy giảm chức năng co bóp thất
trái, vừa có ngoại tâm thu thất thì tỷ lệ càng cao.
Cho đến nay chưa một ai có thể nói được là một bệnh nhân suy tim hay nhồi
máu cơ tim sẽ chết vào lúc nào, do vậy việc đề phòng đột tử chủ yếu dựa vào
việc điều trị những nguyên nhân gây đột tử và trước đó phải đánh giá được
nguy cơ đột tử nhiều hay ít ở một cá thể nhất định.
Với một người bị nhồi máu cơ tim cần được làm siêu âm tim để đánh giá chức
năng của tim trái, cần ghi điện tim 24 giờ để phân tích các loạn nhịp cũng
như các cơn thiếu máu cơ tim, cần ghi được điện thế chậm (late potential),
nếu cả 3 yếu tố trên đều bất bình thường thì khả năng đột tử càng cao, và ở
bệnh nhân này cần được theo dõi chặt chẽ hơn, điều trị thích hợp hơn.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy rằng dùng thuốc chẹn Bê ta giao cảm
(Betaloc, Obsidan, Propranolol) cho những ca nhồi máu cơ tim làm giảm tỷ lệ
đột tử.
Nếu bệnh nhân có chống chỉ định với thuốc ức chế bê-ta (Hen phế quản...)
thì dùng thuốc chống loạn nhịp Amiodarone có thể đề phòng đột tử sau nhồi
máu cơ tim.