ĐÁNH TRỐNG NGỰC
BS. DƯƠNG MINH HOÀNG
Đánh trống ngực là triệu chứng khó chịu thường gặp, được mô tả như chính
mình nghe thấy tiếng đập thật mạnh của quả tim, tim đập thật nhanh hoặc
không đều. Thường xảy ra sau khi làm việc quá nặng nhọc, tình trạng lo lắng,
thiếu máu, cường giáp, bệnh tim...
Triệu chứng này không đặc thù riêng cho một bệnh nào cả. Dù xảy ra nhiều
hay ít, chẩn đoán nguyên nhân phải dựa trên những triệu chứng và dữ kiện
khác nữa. Đối với bệnh nhân thì triệu chứng này có ý nghĩa thật quan trọng,
cứ lo sợ mình mắc phải bệnh tim. Nếu bác sĩ nào vô tình nói bệnh nhân có thể
mắc bệnh tim sẽ khiến bệnh nhân càng sợ hơn. Sự lo lắng này làm hệ thần kinh
giao cảm kích hoạt khiến nhịp tim tăng thêm và triệu chứng này trở thành
quan trọng thật. Cảm giác biết được nhịp tim này còn thay đổi tùy theo cá
tính của mỗi người. Có người hoàn toàn không biết gì dù có rối loạn nhịp tim
nặng thật nguy hiểm, nhưng với người khác một ngoại tâm thu nhẹ cũng nhận ra
ngay lập tức. Đánh trống ngực thường nhận ra vào ban đêm hoặc trong ngày vào
lúc nào đó như nghỉ ngơi. Với người có ngưỡng bệnh thấp một khi thay đổi
nhịp tim là cảm thấy đánh trống ngực. Những bệnh nhân tiền sử có bệnh tim
thực thể hay loạn nhịp tim lâu ngày do đã quen nên ít khi cảm thấy đánh
trống ngực như mọi người khác. Nhịp nhanh thường xuyên hay rung nhĩ có thể
không kèm theo đánh trống ngực nhưng một thay đổi đột ngột về nhịp tim sẽ
gây ra đánh trống ngực thật khó chịu. Đánh trống ngực thường nhận rõ khi
nhịp tim nhanh mới xuất hiện, một cách thoáng qua hay từng chu kỳ.
Diễn tả của người bệnh về đánh trống ngực rất quan trọng giúp BS tìm ra
nguyên nhân. Cần hỏi bệnh nhân và bắt mạch cổ tay mỗi khi đánh trống ngực.
Nếu nhịp đều đặn, không nhanh, bệnh nhân thấy co bóp tim bất thường là bệnh
hở van động mạch chủ. Trái lại, khi nhịp tim đều nhanh hơn 120 lần/phút
không phải sau khi cố gắng hay stress, là chứng nhịp nhanh trên thất. Đánh
trống ngực và mạch đập bất thường thường do nhịp tim không đều, có thể là do
ngoại tâm thu nhưng nếu ngoại tâm thu quá nhiều sẽ khó phân biệt với chứng
rung nhĩ. Tất cả các bệnh gây ra nhịp tim không đều có thể là cường giáp, hạ
đường huyết, bướu tủy thượng thận, sốt và một vài loại thuốc. Rối loạn nhịp
tim còn gia tăng thêm khi người bệnh dùng thuốc lá, cà phê, trà, rượu, thuốc
Adrenaline, Ephedrine, Aminophylline, Atropine, các thuốc tuyến giáp. Lúc
khám bệnh, người thầy thuốc cần tìm ra một bệnh lý về van tim, cường giáp,
thiếu máu...
Đánh trống ngực thường gặp ở người khỏe mạnh nhưng khi có thêm các triệu
chứng khác như chóng mặt, thở ngắn, thấy khó chịu ở ngực xảy ra ở người có
tiền sử bệnh tim, đòi hỏi BS khảo sát đầy đủ thêm nữa. Với những người này,
đánh trống ngực có thể biểu hiện một rối loạn nhịp tim nặng đôi khi cần phải
điều trị khẩn cấp.
Nếu đánh trống ngực xảy ra thường xuyên mỗi ngày, thử nghiệm đầu tiên cần
cho bệnh nhân là đo nhịp tim liên tục bằng máy Holter. Đo điện tim làm với
nghiệm pháp gắng sức giúp BS và bệnh nhân an tâm nhưng điều này không nên
tạo thêm loạn nhịp tim nặng. Loạn nhịp tim nếu biến đi sau nghiệm pháp gắng
sức thường là biểu hiện nhẹ.
Nguyên nhân thường gây ra đánh lồng ngực là:
1. Loạn nhịp tim nặng: Loạn nhịp tim có thể đều, không đều, nhanh
hay chậm. Chẩn đoán loạn nhịp buộc phải có điện tim. Tim đập bình thường
phải đều từ 60-85 lần/phút. Loạn nhịp tim nặng thường phối hợp với khó thở,
đau ngực, vã mồ hôi, buồn mửa, váng đầu hay ngất đi. Với bệnh nhân có tiền
sử bệnh tim trước đây cần lưu tâm đến loạn nhịp kèm đánh trống ngực do bệnh
nhân lạm dụng cà phê, hút thuốc lá, nghiện rượu, cocaine...
2. Các chất kích thích đều gây ra đánh trống ngực: Nhiều dược phẩm
như thuốc cảm Decolgen, Contac có chất co mạch kích thích rất mạnh làm tăng
nhịp tim. Những bệnh nhân nào có tiền sử cao HA và tim mạch không nên dùng
các thuốc ấy. Ngoài ra, lạm dụng cafeine, nicotine như dùng nhiều cà phê,
hút thuốc lá cũng gây đánh trống ngực nhưng trong đa số trường hợp thường
không nghiêm trọng. Đánh trống ngực theo sau các chất kích thích nhẹ thường
hết sau khi ngưng dùng. Nhưng bất cứ đánh trống ngực nào kèm theo đau đầu
nhẹ, muốn ngất, đau ngực, khó thở, vã mồ hôi, buồn mửa cần khám BS nhằm đánh
giá bệnh khẩn cấp.
3. Cường giáp hay gây đánh trống ngực: Tuyến giáp là một tuyến hình
bướm, nằm ngay cổ áp sát khí quản. Tuyến này có nhiệm vụ điều hòa dinh dưỡng
cơ thể và khi có nhiều hormon tuyến giáp là tình trạng cường giáp. Triệu
chứng thường có là đánh trống ngực, sụt cân, bướu cổ kèm theo mắt lồi, tim
đập nhanh trên 100 lần/phút
4. Thiếu máu cũng là một khả năng gây ra đánh trống ngực: Khi cơ thể
không đủ hồng cầu do mất hay thiếu sắt, suy thận... Các triệu chứng thiếu
máu bao gồm mệt, yếu ớt, khó thở khi làm việc, đánh trống ngực, vẻ mặt tái,
bàn tay trắng, nhợt nhạt. Huyết áp có thể thấp, nhịp tim thường nhanh trên
100 lần/phút.
5. Tình trạng lo lắng hay anxiety state: Những cơn lo lắng thường
kèm theo nhịp thở nhanh, thường xảy ra khi mất việc, gặp rắc rối về tài
chính, trong gia đình, thất tình... Những nguyên nhân khác có thể do tác
dụng phụ của thuốc như cafeine, amphetamine, thuốc lá, thuốc làm ốm... Triệu
chứng thường có là thở nhanh, lo lắng, hồi hộp, nhịp thở nhanh trên 30
lần/phút, tê, co quắp tay, ngất đi. Vấn đề này thật ra không có gì nghiêm
trọng cả. Tuy nhiên, những biểu hiện lo lắng này thật phiền khiến gia đình
có nhiều lo âu và dễ tái phát. BS cần khám kỹ loại trừ những nguyên nhân
thực thể khác gây ra thở nhanh ngoài lo âu như suy tim, tắc mạch phổi...
Người bệnh bị tái phát nhiều lần rất hiểu tình trạng mình một khi được BS
giải thích rõ. Bệnh nhân có thể thở trong bao giấy nhưng không phải là bao
ni lông nhằm giảm thở nhanh. Bệnh nhân thường có tình trạng lo lắng nên
tránh uống cà phê, dùng thuốc co mạch, thuốc ốm... Rượu cũng có thể gia tăng
thêm tình trạng lo lắng.
Việc tìm ra nguyên nhân chính xác và giải thích kỹ với bệnh nhân, mọi lo
lắng sẽ bị loại trừ hay giảm đi rất nhiều. Với bệnh nhân không có nguyên
nhân nào thật quan trọng, việc đánh giá đúng và trấn an khéo léo cũng giúp
được bệnh nhân an tâm, trở lại cuộc sống bình thường.