Phòng chảy máu não, màng não ở trẻ do thiếu vitamin K
Mỗi năm, Việt Nam có 2.000-3.000 trẻ sơ sinh bị bệnh này. Cứ 4-5 trẻ mắc thì có 1 ca tử vong. Trong số bệnh nhi được cứu sống, gần một nửa mang các di chứng thần kinh và tinh thần, nhiều trẻ tàn tật suốt đời. Căn bệnh nguy hiểm này có cách phòng ngừa rất đơn giản: bổ sung vitamin K cho trẻ.
Vitamin K có mặt trong thực phẩm và được các vi khuẩn ruột tổng hợp, gồm hai loại:
- Phylloquinon (vitamin K1): Có ở các cây rau xanh và một số thịt súc vật. Cải bắp, cải xanh, cải soong, xúp lơ chứa hàm lượng vitamin K1 rất cao khoảng từ 100 đến 200 microgram trong 100 gram thực phẩm; các loại sữa, trứng gà, đậu phụ chứa hàm lượng khoảng 30-40 microgram; các loại thịt lợn nạc, thịt bò, có khoảng 15-20 microgram. Riêng thịt gà, vịt là nguồn thực phẩm sẵn có thì lại hầu như không chứa vitamin K1.
- Menaquinon (vitamin K2): Được tổng hợp từ một số chủng vi khuẩn ruột như bacteroide, enterobacteria, veillonlla, eubacterium lentum. Vitamn K2 được tổng hợp chủ yếu ở đại tràng.
Trong cơ thể, nguồn vitamin K được dự trữ chủ yếu ở trong các mô như gan, lách, thận, cơ, xương... Vitamin K ở ruột được hấp thu vào máu và hệ bạch huyết nhờ các tiểu thể mixen tạo thành dưới tác dụng của dịch mật và dịch tụy. Các nguyên nhân làm giảm các tiểu thể mixen này là chế độ ăn thiếu mỡ, dầu, rối loạn chức năng tụy, bệnh viêm gan, tắc mật...
Vitamin K tham gia tổng hợp các yếu tố đông máu tại gan. Khi thiếu vitamin K, quá trình tổng hợp các yếu tố này giảm, gây chảy máu. Khoảng 50% trẻ sơ sinh 5 ngày tuổi có biểu hiện thiếu vitamin K. Tình trạng này thường thấy rõ hơn ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ vì nồng độ vitamin K trong sữa mẹ (2-15 microgram/lít) thấp hơn trong sữa nhân tạo (>50 microgram/lít).
Thiếu vitamin K gây nên bệnh chảy máu ở trẻ nhỏ dưới 3 thể:
- Thể chảy máu sớm: Xảy ra trong 24 giờ đầu sau sinh, thường gây tụ máu dưới da đầu, tụ máu trong sọ não và trong ổ bụng. Thể bệnh diễn biến nặng, dễ gây tử vong. Các bà mẹ sử dụng thuốc chống động kinh, thuốc chống lao, chống đông máu... thường gây bệnh chảy máu cho con ngay ngày đầu tiên.
- Thể xuất huyết kinh điển: Xảy ra từ sau ngày thứ nhất đến ngày thứ 7 sau sinh. Trẻ mắc bệnh thường có triệu chứng chảy máu ở đường tiêu hóa, chảy máu phổi, có thể chảy máu trong sọ não. Bệnh xảy ra ở những trẻ thường không được tiêm phòng vitamin K sau sinh.
- Thể chảy máu muộn sơ sinh: Xảy ra ở trẻ tuổi từ sau 7 ngày đến 3 tháng. Đây là thể bệnh rất hay gặp và nặng do chảy máu trong sọ não. Bệnh thường xảy ra ở trẻ bú sữa mẹ, đặc biệt là con của những bà mẹ ăn kiêng mỡ dầu, rau xanh, những trẻ mắc bệnh gan, mật, rối loạn tiêu hóa kéo dài, hoặc sử dụng kháng sinh sớm dài ngày... Bệnh nhi thường có những cơn khóc bất thường, nôn trớ, bỏ bú, da xanh xao, nhợt nhạt, co giật, li bì hoặc hôn mê. Trẻ có thể tử vong trong hai hoặc ba ngày đầu nếu không điều trị kịp thời.
Vì vậy, trẻ mới sinh ra cần tiêm 1-2 mg vitamin K1 hoặc vitamin K2. Người mẹ trước và sau sinh đều phải ăn đủ thực phẩm giàu vitamin K, không nên ăn kiêng dầu mỡ vì đây là chất cần thiết cho việc hấp thụ vitamin K ở ruột.
TS Nguyễn Văn Thắng, Sức Khỏe & Đời Sống